Mang thai là giai đoạn nhạy cảm của phụ nữ, thường đi kèm với nhiều thay đổi trong cơ thể như tăng cân, làn da sạm màu, nổi nhiều mụn, đau lưng, hay cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn, ăn không ngon miệng, bị táo bón.
Nhận biết tình trạng táo bón ở thai phụ qua các biểu hiện như đi tiêu (đi ngoài) khó khăn, tần suất đi ít hơn 3 lần/ tuần, phân cứng và khô, đôi khi kèm theo máu. Ngoài ra, cảm thấy đau rát mỗi lần đi tiêu, chướng bụng... cũng là những dấu hiệu thường gặp của táo bón.
Phụ nữ mang thai mắc táo bón nếu không được thăm khám, hỗ trợ điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ lẫn con.
- Đối với mẹ bầu: Táo bón khiến mẹ luôn cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, hay cáu gắt do đi ngoài khó khăn, ra máu. Nếu rặn nhiều sẽ bị đau rát vùng hậu môn, nứt hậu môn, viêm xung quanh hậu môn, sa trực tràng, bệnh trĩ... Trường hợp bị táo bón nặng, mẹ bầu phải dùng lực rặn khi đi vệ sinh có thể gây sảy thai, sinh non.
Mặt khác, táo bón kèm theo chứng buồn nôn, ốm nghén sẽ khiến mẹ bầu giảm sự thèm ăn, ăn uống không ngon miệng dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng, mệt mỏi, sức khỏe kém. Chưa kể, những chất độc có trong phân như phenol, amoniac... khi tồn đọng trong ruột quá lâu sẽ gây hấp thụ ngược lại ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. - Đối với thai nhi: Mẹ bầu bị táo bón kéo dài có thể dẫn đến suy dinh dưỡng bào thai, suy giảm sức đề kháng, trẻ sinh ra rất dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn.
Nguyên nhân
Nguyên nhân khiến thai phụ dễ bị táo bón thai kỳ, gồm:
- Các hormone tiết ra nhiều trong thai kỳ, đặc biệt là progesterone gây cản trở hoạt động của các cơ quan tiêu hóa. Cụ thể, các hormone này khiến nhu động ruột kém co bóp, khiến việc đẩy chất thải ra ngoài trở nên khó khăn hơn dẫn đến táo bón.
- Chế độ dinh dưỡng thai kỳ không cân đối như ăn quá nhiều chất bột đường, chất béo, ít chất xơ sẽ khiến cho quá trình tiêu hóa chậm hơn, gây đầy hơi, chướng bụng và táo bón.
- Bổ sung sắt không đúng cách khiến cơ thể mẹ bầu không hấp thụ được mà thải ra ngoài tạo thêm gánh nặng cho đường tiêu hóa. Khi mới mang thai nhiều người mẹ thận trọng nên hạn chế đi lại sợ ảnh hưởng đến thai nhi. Tập thể dục hay vận động nhẹ nhàng là cách giúp thức ăn di chuyển qua ruột già nhanh hơn. Do đó, nếu mẹ bầu hạn chế thái quá việc vận động sẽ khiến hệ tiêu hóa hoạt động kém, phân trở nên cứng, dẫn đến táo bón.
- Phụ nữ mang thai thường bị mất nước do nôn khi bị nghén trong 3 tháng đầu và không bổ sung lượng nước bị thiếu hụt đầy đủ, dẫn đến táo bón.
- Stress cũng là một trong những nguyên nhân gây táo bón ở phụ nữ mang thai. Khi cơ thể bị căng thẳng quá mức sẽ phản ứng lại bằng cách giảm hoạt động của nhu động ruột và gây táo bón.
Triệu chứng
Tương tự người bình thường, các triệu chứng phổ biến và cơ bản nhất ở bà bầu mắc chứng táo bón bao gồm:
- Thời gian đi tiêu không thường xuyên, kéo dài khoảng 3-7 ngày/ lần.
- Giảm cảm giác thèm ăn, không muốn/ hoặc lười ăn.
- Luôn có cảm giác bị đầy hơi, chướng bụng, khó chịu ở dạ dày.
- Phân khô, cứng, viên cục giống phân dê gây đau đớn khi đi ngoài. Thậm chí, có thể có máu, chất nhầy lẫn trong phân.
Chẩn đoán
Thai phụ được xác định mắc chứng táo bón nếu có khoảng cách thời gian đi đại tiện từ 3-7 ngày/ lần, kèm theo đó là phân cứng, khô (vón cục như phân dê), mỗi lần đi tiêu cảm thấy khó chịu, đau rát, chảy máu (do nứt kẽ hậu môn)...
Để chẩn đoán mắc táo bón, tùy trường hợp và mức độ mà bác sĩ yêu cầu thực hiện một số phương pháp như nội soi đại tràng, đo áp lực hậu môn trực tràng, đánh giá phản xạ tống phân, xét nghiệm máu, sinh thiết trực tràng...
Điều trị
Tùy vào giai đoạn thai kỳ, tình trạng và mức độ mắc táo bón ở bà bầu mà bác sĩ có thể chỉ định phương pháp điều trị phù hợp và an toàn nhất. Trong trường hợp mới mắc táo bón và nhẹ, mẹ bầu có thể áp dụng các cách dưới đây:
Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ
Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ (các loại rau xanh, trái cây và củ quả tươi, ngũ cốc nguyên cám) trong chế độ ăn uống hằng ngày có tác dụng phòng tránh táo bón hiệu quả. Chất xơ có tác dụng hút nước giúp làm mềm phân, tạo khối phân cũng như thải chất cặn bã ra ngoài dễ dàng. Bên cạnh đó, mẹ bầu cần phải hạn chế/ hoặc lại bỏ những thực phẩm nhiều chất béo, sử dụng trà, cà phê...
Uống nhiều nước
Một trong những bí quyết nhuận tràng an toàn với phụ nữ mang thai là đảm bảo lượng nước cơ thể cần mỗi ngày, khoảng 2-3 lít, tương đương 10-12 ly. Có thể bổ sung nước cho cơ thể từ nước lọc, nước ép trái cây tươi, nước canh, sữa tươi...
Ngoài giúp nhuận tràng, phòng tránh táo bón, uống đủ nước còn giúp mẹ bầu điều hòa nhiệt độ cơ thể, ngừa phù nề, đảm bảo sự hấp thụ dưỡng chất của thai nhi tối đa...
Vận động
Mẹ bầu luôn mệt mỏi và có xu hướng muốn ngồi, nằm nhiều. Đây là một thói quen xấu cần hạn chế khi mang thai. Theo đó, chuyên gia khuyên, mỗi ngày mẹ bầu nên dành từ 30-45 phút vận động nhẹ nhàng hoặc đi bộ.
Tuyệt đối không nhịn vệ sinh
Đừng vì sợ đau hay cảm giác khó chịu khi đi tiêu mà mẹ bầu hạn chế hoặc nhịn đi vệ sinh, điều này sẽ càng khiến mức độ mắc táo bón ở mẹ thêm trầm trọng. Thay vào đó, nên tập thói quen đi vệ sinh hằng ngày, vào một khung giờ nhất định để hình thành thói quen.
Thử thay đổi cách bổ sung sắt
Bổ sung sắt rất cần thiết với bà bầu vì nó giúp phòng tránh thiếu máu do thiếu sắt, ngoài ra, sắt còn giúp phòng tránh mắc các bệnh nhiễm khuẩn. Khi mang thai, do nhu cầu sắt tăng cao do đó ngoài các thực phẩm tự nhiên, bà bầu cần phải uống viên sắt bổ sung.
Tuy nhiên, hầu hết mẹ bầu khi uống viên sắt thường mắc chứng táo bón, phân đen. Để phòng tránh tình trạng này, mẹ bầu có thể chọn uống sản phẩm sắt có nguồn gốc hữu cơ, và nên uống sau bữa ăn từ 1-2 tiếng với nhiều nước. Tuy nhiên để cơ thể tăng hấp thu sắt mẹ bầu có thể sử dụng cùng thức uống chứa vitamin C và tránh trà, cà phê.
Thận trọng dùng thuốc trị táo bón cho bà bầu
Việc tự ý dùng thuốc trong thai kỳ là điều tối kỵ mà mẹ bầu cần nhớ vì có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Trong trường hợp cần dùng thuốc, mẹ bầu nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi dùng và cần dùng theo hướng dẫn sử dụng để đảm bảo an toàn.
Bổ sung lợi khuẩn, ưu tiên các thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa
Dùng thuốc là trường hợp bất khả kháng, tốt nhất mẹ bầu bị táo bón nên tránh lạm dụng chúng. Để cải thiện tình trạng táo bón, mẹ bầu nên ưu tiên dùng các thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa như giàu chất xơ, đồng thời bổ sung các thức uống chứa lợi khuẩn để cân bằng hệ vi sinh đường ruột.
Chăm sóc
- Bà bầu bị táo bón không nên rặn, vì động tác rặn có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như sảy thai trong thời kỳ đầu mang thai; sinh non trong những tháng cuối thai kỳ; rạn nứt hậu môn dẫn đến tiêu phân ra máu hoặc trĩ nếu tình trạng nặng hơn.
- Chỉ khi bác sĩ gợi ý một số loại thuốc để giảm bớt tình trạng táo bón thì mẹ bầu có thể cân nhắc việc dùng thuốc theo liều lượng mà bác sĩ đã tư vấn. Tuyệt đối không được tự ý dùng dầu khoáng, dầu thầu dầu và thuốc viên nhuận tràng trong thời kỳ mang thai để "giải quyết" tình trạng táo bón vì chúng có thể gây co thắt tử cung dẫn đến sảy thai hoặc sinh non.
- Những bà bầu bị táo bón được khuyến cáo tuyệt đối không nên sử dụng thuốc thụt tháo, trong trường hợp muốn sử dụng cần hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa và tuân theo hướng dẫn. Thuốc thụt tháo là dạng thuốc gel hay dung dịch giúp bôi trơn ống hậu môn cũng như tăng co thắt đại tràng để đi tiêu dễ dàng hơn. Vì vậy, trong thời gian mang thai nếu dùng không cẩn thận, hoặc lạm dụng sử dụng thuốc thụt tháo để giúp giảm đau, đi tiêu dễ dàng có thể dẫn đến sinh non hay sảy thai ngoài ý muốn rất nguy hiểm.
Để bảo bảo sức khỏe cho mẹ và sự phát triển tốt nhất của thai nhi trong bụng, mẹ bầu nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để tìm kiếm giải pháp hỗ trợ kịp thời khi bị táo bón thai kỳ. Nhất là với những trường hợp mắc táo bón kéo dài khiến việc đi tiêu gây nhiều đau đớn và khó chịu, phải dùng nhiều sức để rặn, khi đi tiêu lấy máu lẫn trong phân, dùng tay lấy phân ra.
Phòng ngừa
Để phòng ngừa chứng táo bón trong thai kỳ, mẹ bầu cần có chế độ dinh dưỡng khoa học, cân bằng, hợp lý, cần uống đủ nước, vận động nhẹ nhàng, ăn đủ chất xơ, bổ sung vi chất dinh dưỡng khoa học (không bổ sung quá nhiều sắt và canxi)...
Một trong những cách nên thực hiện và duy trì thường xuyên là thay đổi chế độ ăn uống hàng ngày để tăng cường hấp thu chất xơ giúp đi ngoài dễ dàng hơn.
Dưới đây là các loại thực phẩm mà mẹ bầu nên tăng cường bổ sung:
- Sữa chua: Trong sữa chua có chứa vi sinh vật được gọi là probiotics. Probiotics là những vi khuẩn tốt vì chúng giúp cải thiện sức khỏe đường ruột cũng như làm mềm phân.
- Chuối: trong chuối có chứa nhiều nước và chất xơ, cả hai đều giúp thúc đẩy hoạt động của hệ tiêu hóa tốt hơn. Một quả chuối trung bình cung cấp khoảng 10% nhu cầu chất xơ của một người trong một ngày.
- Các loại quả mọng như mâm xôi, quả việt quất và dâu tây... cũng được xếp vào nhóm các thực phẩm cải thiện táo bón hiệu quả vì giàu chất xơ. Chỉ 1/2 cốc mâm xôi đã chứa 4 g chất xơ.
- Táo và lê: Trong táo và lê chứa một số hợp chất giúp cải thiện tiêu hóa bao gồm chất xơ, sorbitol và fructose. Những loại trái cây này cũng chứa hàm lượng nước cao, giúp dễ tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón tốt. Để tận dụng tối đa lợi ích từ táo và lê, mẹ bầu ăn nguyên quả còn vỏ.
- Mận khô: Mận khô chứa rất nhiều chất xơ. Bên cạnh đó, mận khô cũng chứa các hợp chất sorbitol và phenolic có lợi cho đường tiêu hóa.
- Bánh mì nguyên cám, ngũ cốc và mì ống: Các sản phẩm từ lúa mì nguyên hạt là nguồn cung cấp chất xơ không hòa tan tuyệt vời, giúp tăng khối lượng phân, thúc đẩy lượng thức ăn qua ruột nhanh hơn.
- Các loại đậu: Các loại đậu như đậu hà lan, đậu lăng, đậu xanh... có hơn 10 g chất xơ trong mỗi khẩu phần (nhiều hơn hầu hết nguồn cung cấp chất xơ khác). Đậu là một hỗn hợp chứa chất xơ hòa tan và không hòa tan, cả hai đều giúp tiêu hóa thức ăn tốt và giảm táo bón.
- Khoai lang, khoai tây: Một củ khoai lang nướng nguyên vỏ chứa 3,8 g chất xơ. Với hàm lượng chất xơ cao, khoai lang giúp ngăn ngừa và giảm táo bón rất tốt. Bên cạnh đó, khoai tây nướng cũng là một nguồn cung cấp chất xơ dồi dào, với 3 g trong một củ khoai tây nướng nhỏ.
- Hạt chia: Loại hạt nhỏ này là một nguồn cung cấp chất xơ và axit béo omega-3 dồi dào giúp trị chứng táo bón. Mẹ bầu có thể rắc chúng vào món salad hoặc thêm vào sinh tố.
Trong trường hợp táo bón kéo dài hoặc nặng, mẹ bầu không được tự ý dùng thuốc trị táo bón khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ. Theo đó, nên đến bác sĩ khám để được chẩn đoán, tư vấn điều trị, xây dựng thực đơn dinh dưỡng phù hợp, nhanh chóng cải thiện tình trạng táo bón, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ, bé.
Các bài viết của VnExpress có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.