Viêm phổi có lây như cảm cúm không, làm gì phòng tránh lây bệnh? (Nguyễn Thu Hiền, Ninh Bình)
Trả lời:
Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng nhu mô phổi xảy ra do sự tấn công của các loại vi sinh vật (vi khuẩn, virus, nấm...), khí độc hoặc vật thể lạ. Viêm phổi có thể lây lan theo hai cách.
Lây trực tiếp qua đường hô hấp: Bệnh viêm phổi do vi khuẩn hoặc virus gây nên có khả năng lây lan trực tiếp thông qua đường hô hấp. Vi khuẩn, virus luôn tồn tại ở trong mũi, khoang miệng, họng của người bệnh. Chúng dễ dàng tấn công vào cơ thể của người khỏe mạnh thông qua nói chuyện, giao tiếp gần với người bệnh, tiếp xúc với giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi. Vi khuẩn và virus gây viêm phổi tấn công mạnh mẽ, phát triển nhanh chóng ở người có hệ miễn dịch kém. Đó là lý do vì sao người cao tuổi dễ bị lây viêm phổi do virus hoặc vi khuẩn hơn trường hợp khác.

Bác sĩ Lan kiểm tra tình trạng tình trạng phổi của người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Lây truyền gián tiếp: Viêm phổi có thể lây truyền gián tiếp thông qua việc tiếp xúc các đồ dùng, vật dụng có dính giọt bắn chứa vi khuẩn hoặc virus gây bệnh như đồ dùng cá nhân (khăn, ly uống nước, quần áo, bàn chải đánh răng...), nắm cửa, bàn ghế. Một người chạm vào các đồ dùng này, sau đó sờ lên vùng mắt, mũi, miệng khi chưa sát khuẩn có thể đã gián tiếp giúp vi khuẩn hoặc virus gây viêm phổi xâm nhập vào cơ thể.
Sau khi rời khỏi cơ thể người bệnh, vi khuẩn và virus gây viêm phổi có thể tiếp tục tồn tại ở môi trường bên ngoài trong một khoảng thời gian nhất định. Vì vậy, đồ vật chứa giọt bắn mang vi khuẩn, virus chính là tác nhân gây lây truyền bệnh viêm phổi từ người này sang người khác.
Để bảo vệ cơ thể tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh, mẹ bạn nên giữ vệ sinh cá nhân, đặc biệt là răng miệng. Bà nên rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn hàng ngày, nhất là các thời điểm như sau khi tiếp xúc với người bệnh hoặc sau khi từ nơi công cộng về nhà, trước khi ăn uống, sau khi đi vệ sinh....
Tránh tiếp xúc với nguồn bệnh, nếu bắt buộc phải tiếp xúc cần có biện pháp phòng tránh lây nhiễm như giữ khoảng cách, đeo khẩu trang. Tránh sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người khác, nhất là người bệnh viêm phổi hoặc nghi ngờ đang mắc bệnh. Thường xuyên vệ sinh môi trường sống để loại bỏ vi sinh vật gây viêm phổi. Đồng thời, tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể bằng cách duy trì lối sống khoa học bao gồm chế độ dinh dưỡng lành mạnh, thường xuyên rèn luyện thể chất (ít nhất ba lần một tuần, mỗi lần từ 30 phút), ngủ đủ giấc, duy trì tinh thần lạc quan...
Mẹ bạn nên đi khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng một lần để bác sĩ sớm phát hiện các yếu tố nguy cơ gây bệnh tiềm ẩn, từ đó đưa ra biện pháp điều trị và phòng tránh phù hợp. Tiêm vaccine phòng bệnh viêm phổi cũng là biện pháp quan trọng để giảm nguy cơ lây nhiễm. Người cao tuổi nên tiêm vaccine phòng cúm, phế cầu khuẩn bởi nguy cơ viêm phổi do phế cầu khuẩn, cúm cao hơn trường hợp khác. Tiêm phòng hai loại vaccine này góp phần củng cố hệ miễn dịch, giúp cơ thể đủ khả năng chống lại tác nhân lây nhiễm gây viêm phổi.
Thạc sĩ, bác sĩ Thân Thị Ngọc Lan
Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |