Trả lời:
Sỏi tiết niệu xuất hiện trong hệ thống tiết niệu gồm thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Hầu hết sỏi hình thành ở thận, đi theo đường nước tiểu và đến các vị trí khác trong hệ tiết niệu. Một số triệu chứng thường gặp do sỏi tiết niệu như cơn đau quặn thận (cơn đau bão thận) ở lưng dưới và bụng dưới khi sỏi làm tắc nghẽn đường tiểu, gây thận ứ nước, tiểu nhiều lần nhưng lượng nước rất ít, nóng rát khi tiểu, nước tiểu cặn, đục, buồn nôn, nôn ói.
Đường tiết niệu trải qua một số thay đổi sinh lý trong quá trình mang thai cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển sỏi tiết niệu. Thận ứ nước thai kỳ xảy ra ở phần lớn phụ nữ mang thai từ tuần 6 đến tuần 11 thai kỳ và tự khỏi khoảng 4-6 tuần sau sinh. Sỏi nhỏ, không gây tắc nghẽn đường tiểu thường không ảnh hưởng đến sức khỏe thì nữ giới có thể mang thai bình thường. Tuy nhiên trường hợp của bạn, sỏi kích thước 9,2 mm là lớn, có thể chèn ép niệu quản, gây thận ứ nước, tạo ra các cơn đau quặn thận. Do vậy, bạn cần đến bệnh viện để được xử lý sỏi trước khi mang thai, tránh các biến chứng nguy hiểm. Bạn cũng cần tầm soát kỹ lưỡng sức khỏe trước khi mang thai để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
Biến chứng nguy hiểm của sỏi tiết niệu như tắc nghẽn niệu quản, nhiễm trùng đường tiết niệu trên, nhiễm trùng huyết, áp xe thận. Ngoài ra, sỏi có thể dẫn đến chuyển dạ sớm hoặc cản trở quá trình chuyển dạ của người mẹ, ảnh hưởng đến thai nhi.
Tùy kích thước sỏi, bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị khác nhau. Sỏi nhỏ dưới 5 mm có thể tự đào thải theo đường tự nhiên ra khỏi cơ thể mà không cần dùng thuốc. Với sỏi kích thước 5-10 mm, khoảng 60% tự đào thải qua đường tiết niệu trong 45 ngày nhờ sự hỗ trợ của phương pháp điều trị nội khoa. Nếu sỏi lớn từ 10 mm hoặc sỏi san hô không thể tự tống xuất ra khỏi cơ thể, bác sĩ chỉ định các phương pháp ngoại khoa như tán sỏi ngoài cơ thể, nội soi, mổ mở để lấy sỏi ra khỏi cơ thể.
Bạn nên lưu ý chế độ ăn uống như tăng lượng nước uống, dùng trà thảo dược để giảm bài tiết oxalate qua nước tiểu, giảm thực phẩm giàu oxalate, giảm lượng muối hấp thụ, sử dụng dầu cá trong chế độ ăn uống có thể hạn chế sỏi tiết niệu tái phát.
BS CKI Phạm Cao Tháp
Đơn vị Tiết niệu
Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp |