Thiếu hụt dinh dưỡng xảy ra khi cơ thể không thể hấp thụ đủ lượng chất dinh dưỡng hoặc không nhận được từ chế độ ăn uống. Đối với trẻ đang lớn, chế độ ăn bổ dưỡng càng quan trọng hơn để các bé đạt được các mốc phát triển cần thiết.
Trẻ không nhận đủ các dinh dưỡng từ khi còn nhỏ có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe như ảnh hưởng tiêu hóa, chậm phát triển xương. Nếu nghi ngờ con có nguy cơ thiếu hụt, ba mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để có cách bổ sung phù hợp. Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo tình trạng thiếu hụt.
Trầm cảm hoặc lo âu
Các chất dinh dưỡng có tác dụng hỗ trợ sức khỏe não bộ và nhận thức. Trẻ bị thiếu hụt chất dinh dưỡng có thể trở nên cáu gắt, lo âu hoặc dấu hiệu trầm cảm nhẹ. Do đó, ba mẹ nên bổ sung đầy đủ các chất vào chế độ ăn của con, đặc biệt là protein. Protein chất lượng cao chứa các axit amin giúp não duy trì hoạt động bình thường. Protein từ động vật như thịt nạc, cá chứa tất cả axit amin cần thiết để xây dựng, phục hồi cơ bắp.
Miễn dịch kém, chán ăn
Biếng ăn hoặc bị cúm, cảm lạnh liên tục cho thấy thiếu chất kẽm. Thiếu vitamin D cũng gây suy giảm miễn dịch, dễ ốm bệnh. Ba mẹ nên duy trì chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng để khắc phục tình trạng thiếu hụt. Kẽm có nhiều trong hải sản như hàu, tôm, cua. Trẻ tiếp xúc với ánh nắng để cung cấp vitamin D cho cơ thể, có thể ăn thêm nấm, cá hồi, lòng đỏ trứng.
Béo phì
Thiếu hụt dinh dưỡng cũng làm tăng nguy cơ béo phì vì khi trẻ không nhận được thức ăn bổ dưỡng, thường xuyên đói và cảm thấy không thỏa mãn. Để ngăn ngừa tình trạng này, trẻ nên ăn uống cân bằng.
Da hoặc tóc khô
Khô da hoặc tóc có thể do cơ thể không có đủ lượng vitamin tan trong chất béo. Các vitamin hòa tan trong chất béo bao gồm 4 loại là A, D, E và K. Phụ huynh nên bổ sung đầy đủ các dưỡng chất này trong chế độ ăn để tránh trẻ bị thiếu hụt.
Năng lượng thấp
Thiếu sắt dẫn đến mệt mỏi, năng lượng thấp cùng các triệu chứng của chứng não sương mù như thiếu tập trung, hay quên, lú lẫn. Các loại thực phẩm như các loại hạt, đậu, trái cây khô, thịt, rau lá xanh đậm đáp ứng nhu cầu về sắt cho trẻ.
Đau xương
Trẻ không chỉ cần canxi mà còn nhận đủ vitamin D để duy trì sức khỏe hệ xương. Thiếu vitamin D dẫn đến đau xương, chậm phát triển, chuột rút cơ và xương mềm. Loại vitamin này cũng có vai trò thúc đẩy hệ thống miễn dịch khỏe mạnh.
Bảo Bảo (Theo Times of India)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |