Suy tuyến sinh dục nữ là hội chứng liên quan nhiều đến nội tiết tố sinh dục nữ và thường xuất hiện ở giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy tuyến sinh dục nữ là giảm nồng độ estrogen.
Triệu chứng
Đặc trưng của suy tuyến sinh dục nữ là tình trạng thiếu hụt hormone estrogen trong máu, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Triệu chứng toàn thân:
- Da chảy xệ, phổ biến ở vùng mặt, cổ, ngực, mông và đùi. Da khô, dễ hình thành nếp nhăn, chậm lành vết thương.
- Tâm sinh lý thay đổi, hay cáu gắt, giận dữ, hay lo âu, tính cách thất thường.
- Thay đổi hệ thần kinh, có triệu chứng mất ngủ, trầm cảm, hay quên, phản xạ thần kinh thường chậm và không chính xác.
- Hệ thần kinh thực vật bị rối loạn, hay bốc hỏa, mệt lả người, toát mồ hôi nhiều.
- Loãng xương, khớp xương viêm, đau, nhức mỏi thường xuyên.
- Rối loạn hệ tim mạch với tình trạng tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, hay đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng phần phụ...
- Triệu chứng rối loạn tình dục và sinh sản: Giảm ham muốn tình dục, giảm tiết dịch nhầy âm đạo, âm đạo khô, gây đau đớn, không hứng thú khi quan hệ.
- Rối loạn kinh nguyệt, không rụng trứng, giảm hoặc mất khả năng có con...
Nguyên nhân
Có nhiều yếu tố được cho là nguyên nhân suy tuyến sinh dục ở nữ giới.
- Yếu tố vật lý: Các điều kiện thể chất như bị viêm khớp, bệnh tiết niệu, ruột, từng phẫu thuật vùng chậu, các rối loạn thần kinh như bệnh đa xơ cứng...
- Sử dụng một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc huyết áp, kháng histamin, thuốc hóa trị liệu.
- Nội tiết tố: Nồng độ estrogen thấp sau thời kỳ mãn kinh, tiền mãn kinh, trong thời gian cho con bú có thể dẫn đến khô âm đạo, ảnh hưởng đến ham muốn tình dục.
- Tâm lý và xã hội: Chứng lo âu, trầm cảm có thể góp phần lớn làm rối loạn chức năng tình dục ở nữ giới. Sự căng thẳng lâu dài lo lắng trước trong và sau mang thai, sinh con, xung đột lâu với chồng, đối tác hay các yếu tố xã hội khác tác động làm giảm đi hứng thú tình dục ở nữ.
- Các yếu tố nguy cơ như mắc bệnh tim mạch, gan, thận; mắc các bệnh về thần kinh như tổn thương tủy sống hoặc bệnh đa xơ cứng, từng bị lạm dụng tình dục.
Điều trị
- Hóa liệu pháp estrogen là biện pháp được dùng để điều trị suy tuyến sinh dục nữ. Bác sĩ có thể chỉ định dùng một loại kem thoa âm đạo, đặt vòng hoặc sử dụng thuốc viên giúp cải thiện chức năng sinh dục và độ đàn hồi, tăng lưu lượng máu âm đạo, tăng cường sự bôi trơn trong quá trình quan hệ.
- Androgen bao gồm kích thích tố nam là testosterone có chức năng quan trọng với sinh dục nữ. Bổ sung testosterone bằng cách dùng ngoài da hoặc thuốc uống kết hợp estrogen giúp điều trị suy tuyến sinh dục nữ. Bệnh nhân điều trị bằng phương pháp này cần được bác sĩ theo dõi và điều chỉnh phác đồ.
Các tác dụng phụ khi sử dụng testosterone là mụn trứng cá, rậm lông, tính cách thay đổi... Liệu pháp nội tiết tố này không giải quyết vấn đề tình dục không liên quan hormone. - Suy tuyến sinh dục nữ có thể được điều trị bằng phương pháp trị liệu hành vi. Vợ chồng thảo luận, lắng nghe để tạo nên sự hòa hợp trong tình dục là cách để giải quyết suy sinh dục nữ hiệu quả. Song song đó là xây dựng thói quen sống lành mạnh như tránh rượu bia, các chất kích thích, không hút thuốc, tập thể dục thường xuyên, cải thiện vóc dáng, tâm trạng, giải tỏa căng thẳng hàng ngày.
- Các cặp vợ chồng cần tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia tư vấn, trị liệu về tâm lý tình dục.
- Tập các động tác tăng cường khí huyết lưu thông vùng bụng dưới, đi thẳng mông, ngồi trên chân, nằm ngửa, khoanh tay ngồi dậy... cũng là cách điều trị hiệu quả đối với phụ nữ suy giảm tuyến sinh dục.
Các bài viết của VnExpress có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.