Tĩnh mạch mạc treo tràng là mạch máu trong hệ thống tĩnh mạch cửa, giúp máu di chuyển từ ruột đến gan. Cụ thể, tĩnh mạch mạc treo tràng trên thu thập máu từ nhiều nhánh trong bụng và cung cấp cho tĩnh mạch cửa. Tĩnh mạch cửa đổ máu vào gan để xử lý trước khi chảy trở lại tim.
BS.CKI Đỗ Vũ Ngọc Anh, khoa Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, giải thích nguyên nhân gây huyết khối tĩnh mạch mạc treo tràng được chia thành ba loại chính: tổn thương trực tiếp đến tĩnh mạch do viêm hoặc phẫu thuật; lưu lượng máu chậm hoặc tắc nghẽn trong tĩnh mạch mạc treo và các tĩnh mạch xung quanh do các tình trạng như xơ gan, suy tim hoặc chèn ép từ khối u; rối loạn đông máu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông ở bất kỳ vị trí nào trong cơ thể. Đôi khi, không thể xác định được nguyên nhân gây bệnh (vô căn).
Kết quả xét nghiệm máu cho thấy anh Liu dương tính với hội chứng kháng phospholipid. Đây là bệnh lý tự miễn, xảy ra khi hệ thống miễn dịch sản xuất các kháng thể kháng phospholipid trong máu, từ đó tạo ra cục máu đông trong lòng mạch. Tùy thuộc vào cơ quan nào bị ảnh hưởng bởi cục máu đông và mức độ tắc nghẽn lưu lượng máu, hội chứng kháng phospholipid có thể dẫn đến tổn thương nội tạng vĩnh viễn hoặc tử vong. Các biến chứng bao gồm suy thận, đột quỵ, tổn thương tim, thuyên tắc phổi...
Cùng điều trị cho anh Liu, ThS.BS.CKII Huỳnh Thanh Kiều, Trưởng khoa Nội tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, đánh giá huyết khối làm tắc tĩnh mạch dẫn lưu máu từ ruột non đến gan, song may mắn anh Liu chưa bị nhồi máu ruột, có thể điều trị nội khoa.
Bác sĩ dùng kháng sinh đường tĩnh mạch, thuốc kháng đông, cho bệnh nhân nhịn ăn hoàn toàn. Ba ngày sau anh bớt đau bụng nhiều, bắt đầu ăn cháo loãng để nhu động ruột hoạt động trở lại. Sau 7 ngày tình trạng nhiễm trùng ổn định, anh không tiêu lỏng, hết đau bụng. Ruột giảm phù nề, giảm huyết khối, đường đưa máu đến ruột được khơi thông. Anh xuất viện, tiếp tục uống thuốc kháng đông theo toa, tái khám định kỳ.

Bác sĩ Ngọc Anh kiểm tra sức khỏe cho anh Liu trước lúc xuất viện. Ảnh: Hạ Vũ
Bác sĩ Kiều cho biết huyết khối tĩnh mạch mạc treo tràng xảy ra với tỷ lệ khoảng 1/5.000 đến 1/15.000 ca nhập viện nội trú, tỷ lệ 2.7/100.000 người. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường ảnh hưởng đến người ở tuổi 40-50. Yếu tố nguy cơ gây bệnh bao gồm rối loạn đông máu di truyền hoặc mắc phải gồm hội chứng ruột kích thích, xơ gan, viêm tụy, ung thư tụy, suy tim, lách to, khối u lớn vùng bụng, một số bệnh nhiễm trùng do virus như Covid-19, cúm mùa...
Để giảm nguy cơ huyết khối tĩnh mạch mạc treo tràng, mỗi người nên khám sức khỏe định kỳ, tuân thủ lối sống lành mạnh (duy trì cân nặng hợp lý, tập thể dục thường xuyên, không hút thuốc lá, uống đủ nước). Khi xuất hiện triệu chứng đau bụng, nôn ói, đi tiêu ra máu hoặc phân đen, chướng bụng, phù nề ở chân và bàn chân..., người bệnh nên đến bệnh viện sớm. Người có nguy cơ cao bị cục máu đông nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc dùng thuốc làm loãng máu để ngăn ngừa huyết khối.
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |