Đột quỵ (Stroke) hay tai biến mạch máu não là một bệnh lý cấp tính, thường xảy ra đột ngột khi nguồn máu cung cấp cho não gặp gián đoạn hoặc suy giảm. Khi đó, não bị thiếu ôxy, dinh dưỡng và các tế bào não bắt đầu chết trong vòng vài phút. Người bị đột quỵ có nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời.
Đây là một trong những bệnh lý thần kinh nguy hiểm và phổ biến nhất. Đột quỵ có thể dẫn tới tử vong nếu bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời trong thời gian "vàng", một số người qua khỏi có thể để lại nhiều di chứng
Các dạng tai biến mạch máu não
Tai biến mạch máu não có hai dạng chính bao gồm:
- Đột quỵ do thiếu máu não cục bộ: Là nguyên nhân chiếm khoảng 80% trường hợp. Xảy ra do lượng máu cung cấp tới vị trí nhu mô não bị giảm, gây giảm tưới máu cho các tế bào não. Nguyên nhân gây giảm tưới máu phần lớn là các cục máu đông (huyết khối) xuất hiện trong lòng mạch (tại chỗ hoặc di chuyển từ nơi khác đến) gây ra tắc mạch máu não.
- Đột quỵ do xuất huyết: chiếm phần còn lại trong số các ca tai biến mạch máu não. Nguyên nhân gây chảy máu não là do thành mạch bị vỡ hoặc bất thường trong cấu trúc thành mạch.
Triệu chứng
Suy giảm nguồn cung cấp máu tới não hoặc chảy máu não gây tổn thương các mô bên trong não. Các triệu chứng do đó sẽ được biểu hiện ở các bộ phận mà các vùng não bị tổn thương kiểm soát, bao gồm:
- Cảm thấy liệt, tê bì ở tay, mặt và chân ở một bên cơ thể.
- Người bệnh bị khó nói, nói không tròn tiếng, lắp bắp.
- Miệng có dấu hiệu bị méo, không cân xứng.
- Gặp vấn đề về thị lực, thị trường bị giảm và nhìn mờ.
- Đau đầu đột ngột và dữ dội, gây mất thăng bằng, thậm chí chóng mặt, buồn nôn.
Người bệnh cần được cấp cứu y tế ngay lập tức khi có các triệu chứng nguy hiểm trên. Cấp cứu và điều trị kịp thời sẽ giúp ngăn chặn các hệ quả như tổn thương đến não, tàn phế và tử vong.
Nguyên nhân
Hai nguyên nhân chủ yếu gây đột quỵ là do thiếu máu cục bộ (tắc nghẽn động mạch) hoặc do xuất huyết não (mạch máu bị vỡ hoặc rò rỉ). Ngoài ra, các cơn thiếu máu thoáng qua cũng khiến nguồn máu đến não gặp gián đoạn nhưng chỉ gây ra những triệu chứng tạm thời, không kéo dài. Các yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Người có tiền sử bị bệnh cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch, suy tim.
- Tiền sử cá nhân hoặc gia đình đã từng bị đột quỵ, thiếu máu não thoáng qua.
- Lạm dụng các chất kích thích như uống nhiều rượu, hút thuốc lá, hoặc tiếp xúc với khói thuốc thụ động.
- Chế độ ăn uống không hợp lý, dẫn đến thừa cân, béo phì, lượng cholesterol cao.
- Về tuổi tác, người trong nhóm tuổi từ 55 tuổi trở lên có nguy cơ cao hơn.
- Sử dụng thuốc tránh thai hay các liệu pháp điều chỉnh hormone, thay đổi nội tiết tố cũng làm tăng nguy cơ gây bệnh.
Biến chứng
Nếu như không được cấp cứu kịp thời, người bị đột quỵ có thể gặp một số nguy cơ sau:
- Tàn tật vĩnh viễn hoặc tạm thời, mức độ phụ thuộc vào khoảng thời gian mà não bị thiếu máu cục bộ và các bộ phận trên cơ thể bị ảnh hưởng do tế bào não bị tổn thương.
- Mất khả năng giao tiếp, ngôn ngữ và cử động của miệng, gặp khó khăn khi nói hoặc nuốt.
- Suy giảm trí nhớ, nhận thức, khả năng suy nghĩ, khó khăn khi diễn đạt bằng lời.
- Ảnh hưởng đến tâm lý, người đã từng trải qua cơn tai biến sẽ gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc, dễ thu mình và có thể bị trầm cảm.
Chẩn đoán
Đđể chẩn đoán, bác sĩ sẽ tìm hiểu bệnh sử cá nhân và của gia đình người bệnh. Chẩn đoán qua các triệu chứng lâm sàng với quy tắc FAST thông qua mặt, tay và lời nói. FAST là viết tắt của Face - khuôn mặt; Arm - cánh tay; Speech - lời nói; Time - ghi nhớ khoảng thời gian phát hiện bệnh nhân và nhanh chóng đưa vào bệnh viện. Cụ thể, các triệu chứng sẽ được quan sát về sự cân xứng khuôn mặt, khả năng vận động của tay chân và khả năng nói chuyện có linh hoạt hay gặp khó khăn.
Bác sĩ sẽ cho bệnh nhân thực hiện một số kiểm tra cận lâm sàng để củng cố chẩn đoán như xét nghiệm máu, chụp MRI và CT, đo điện tâm đồ, siêu âm...
Điều trị
Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, mất thời gian là mất chức năng não. Thời gian "vàng" để cấp cứu bệnh nhân đột quỵ là 4,5 tiếng đối với trường hợp nhồi máu não điều trị với thuốc tiêu huyết khối và trong vòng 24 tiếng đồng hồ với trường hợp nhồi máu não phải cần đến can thiệp lấy huyết khối.
Tùy vào tình trạng khẩn cấp của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định những biện pháp cấp cứu, can thiệp cần thiết như sử dụng thuốc, chống đông máu và chống kết tập tiểu cầu; thuốc làm tan huyết khối, phá vỡ các cục máu đông trong mạch máu não, ngăn chặn biến chứng tổn thương não; đặt stent đối với bệnh nhân có bất thường ở thành động mạch.
Khi phát hiện ra người đang bị đột quỵ, việc cần làm là:
- Gọi xe cấp cứu ngay lập tức.
- Tuyệt đối giữ cho bệnh nhân không bị té ngã.
- Không tự ý điều trị như đánh gió, bấm huyệt, châm cứu, cho bệnh nhân uống thuốc huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào.
- Theo dõi các biểu hiện của bệnh nhân như co giật, méo miệng, nôn mửa, chóng mặt, mất thăng bằng, loạn trí...
- Để bảo vệ đường thở, nên đặt bệnh nhân nằm nghiêng và không cho bệnh nhân ăn uống
Hồi phục sau tai biến
- Tai biến mạch máu não có thể khiến bệnh nhân bị giảm khả năng ngôn ngữ và kỹ năng nhận thức, suy nghĩ. Do đó, các liệu pháp trị liệu ngôn ngữ, nhận thức, rèn luyện trí nhớ và khả năng giao tiếp là rất cần thiết.
- Thực hiện các bài tập vật lý trị liệu để lấy lại sức mạnh của các bộ phận trên cơ thể và đặc biệt là chức năng vận động.
Phòng ngừa
Để phòng ngừa đột quỵ, mọi người nên thực hiện một số gợi ý sau:
- Duy trì lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống hợp lý.
- Bỏ hút thuốc.
- Hạn chế uống rượu và sử dụng các chất kích thích.
- Ăn nhiều trái cây, rau củ, hạn chế thực phẩm nhiều cholesterol và chất béo.
- Tích cực tập luyện thể dục thể thao.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt là lượng cholesterol và huyết áp, tim mạch, tiểu đường.
- Lắng nghe cơ thể và tìm đến bác sĩ chuyên môn, các cơ sở y tế uy tín khi cần được thăm khám và tư vấn.
Các bài viết của VnExpress có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.