Khi nhiệt độ môi trường tăng cao, cơ thể trẻ giải nhiệt bằng cách tăng tiết nhiều mồ hôi nên dễ bị mất nước, rối loạn chất điện giải. Ngoài nguy cơ mắc bệnh lý tiêu hóa, hô hấp, trẻ dễ bị mệt lả, say nắng nếu tiếp xúc trực tiếp với nắng nóng quá lâu.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Hiếu, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết nhiệt độ cơ thể của trẻ tăng nhanh gấp 3-5 lần so với người lớn. Trẻ em cũng bị hạ nhiệt chậm hơn do cơ chế đổ mồ hôi chưa phát triển, lượng máu trong cơ thể thấp hơn. Khi bị say nắng, biến chứng ở trẻ có thể xảy đến nhanh, diễn biến khó lường, nghiêm trọng.
Trẻ gặp tình trạng này có biểu hiện sốt cao trên 40 độ C, buồn nôn và nôn; da nóng, khô, đỏ; tim đập nhanh, khó thở; có thể bị ảo giác như nói lắp, không kiểm soát được hành vi; đau nhức đầu. Nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời, trẻ có thể bị co giật, hôn mê, tổn thương não, tử vong.
Khi trẻ có dấu hiệu bị say nắng, bác sĩ Hiếu khuyến cáo phụ huynh cần bình tĩnh gọi xe cứu thương. Trong lúc chờ đợi, cần nhanh chóng đưa trẻ vào trong nhà hoặc nơi râm mát. Đặt trẻ nằm trên mặt phẳng, kê cao chân.
Làm mát cho bé nhanh chóng bằng cách cởi bớt áo quần; dùng khăn thấm nước mát đắp lên người trẻ, tập trung ở các vị trí như trán, gáy, ngực, nách, cánh tay, đùi và quạt. Trẻ sốt hơn 40 độ C cần dội nước liên tục. Bác sĩ Hiếu lưu ý trường hợp sốt do say nắng, say nóng, uống hạ sốt như Ibuprofen hoặc Paracetamol cũng không giúp trẻ hạ nhiệt.

Trẻ bị say nắng nên được đưa vào nơi mát, uống nước lạnh hoặc nước bù điện giải oresol. Ảnh: Trịnh Mai
Nếu trẻ tỉnh táo và mạch lạc, hãy thường xuyên cho con uống một ly nước lạnh hoặc từng ngụm nước bù điện giải oresol pha đúng tỷ lệ mỗi 15 phút cho đến khi triệu chứng sốt cải thiện. Nếu bé bị nôn, cần đặt nằm nghiêng để tránh bị sặc.
Chú ý theo dõi thân nhiệt, tim phổi của bé liên tục. Cần hồi sức tim phổi ngay khi trẻ hôn mê. Ngay cả khi trẻ đã tỉnh táo trở lại, phụ huynh vẫn nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ đánh giá tình trạng mất nước và điều trị bù nước phù hợp.
Theo bác sĩ Hiếu, phụ huynh nên chủ động đề phòng trẻ bị say nắng trong mùa hè. Ngoài yếu tố thời tiết, môi trường kín khí gây khó thở; cơ thể thiếu nước, mặc quần áo quá chật... cũng gây ra tình trạng này.
Phụ huynh cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, chất liệu thấm hút mồ hôi tốt. Hạn chế cho trẻ ra ngoài vào thời điểm 11h-16h ngày nắng nóng. Không nên cho con vận động ở cường độ cao và liên tục quá hai giờ dưới ánh nắng mặt trời. Nếu bé cảm thấy khó chịu, cần ngừng ngay tập luyện.
Trẻ vừa đi ngoài về tránh vào phòng điều hòa ngay, sử dụng quạt gió trước khi bật điều hòa khoảng 10 phút để cơ thể kịp thích ứng với thay đổi nhiệt độ. Khi vào phòng nên đứng giữa cửa hoặc bật điều hòa ở nhiệt độ cao rồi hạ nhiệt độ dần dần. Cần chuyển sang chế độ quạt gió thông thường sau 2-3 giờ để cơ thể có khả năng chịu nhiệt.
Tắt điều hòa hoặc tăng nhiệt độ phòng trước khoảng 20-30 phút, cho trẻ đứng trước cửa vài phút cho quen với môi trường xung quanh rồi mới ra ngoài. Tránh để bé chạy nhảy, ra vào giữa phòng điều hòa và không gian nóng bên ngoài liên tục.
Sau khi trẻ tắm xong không nên vào phòng điều hòa ngay, nhất là những ngày nhiệt độ cao 34-36 độ C để tránh bị lạnh đột ngột, có thể dẫn tới cảm lạnh, viêm phổi, sốc nhiệt. Phụ huynh nên lau khô người và để bé ngồi ở nhiệt độ phòng khoảng 10 phút trước khi vào phòng điều hòa. Thường xuyên vệ sinh điều hòa; mở cửa, lắp thêm quạt thông gió để lưu thông không khí trong phòng, tránh thiếu khí, gây khó thở.
Trước khi ra ngoài trời nắng, cần trang bị áo chống nắng, mũ, kính mắt, khẩu trang cho trẻ. Nếu đi ô tô, tuyệt đối không để bé một mình trên xe. Khi đỗ cần chọn nơi có bóng râm, mái che thoáng mát để tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào xe làm tăng nhiệt độ.
Khuyến khích trẻ uống nhiều nước để tránh mất nước. Bé dưới 6 tháng cần tăng thêm cữ bú; từ 6 tháng trở lên có thể cho uống thêm nước đun sôi để nguội. Chú ý theo dõi số lần đi tiểu, màu sắc nước tiểu để đánh giá tình trạng mất nước.
Phụ huynh cân đối chất dinh dưỡng trong chế độ ăn hàng ngày, động viên trẻ thường xuyên luyện tập thể thao để tăng sức đề kháng, thích nghi với thời tiết khắc nghiệt.
Trịnh Mai
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để được bác sĩ giải đáp |