Phó giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hồng Hoa, Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội cho biết, viêm khớp tự miễn là nhóm các bệnh: viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vảy nến, viêm khớp phản ứng... Cứ 100 người ở độ tuổi trưởng thành (20-40 tuổi) thì có 1-5 người mắc bệnh lý viêm khớp dạng thấp, tỷ lệ xảy ra ở nữ giới cao gấp 2-3 lần nam giới. Bệnh phá hủy các tế bào, làm tổn thương hệ khớp, gây sưng đau nhiều khớp bàn tay, cổ tay, khuỷu, gối, cổ chân, bàn chân 2 bên.
Còn với viêm cột sống dính khớp, khoảng 90-95% ca xảy ra ở nam giới, 80% ở nam giới dưới 30 tuổi. Các triệu chứng ban đầu của bệnh là đau vùng hông, đau vùng thần kinh tọa, viêm gân, đau cột sống thắt lưng.

Viêm khớp dạng thấp khiến bàn tay biến dạng.
Bệnh do hệ miễn dịch hoạt động quá mức
Phó giáo sư Đặng Hồng Hoa phân tích, lý do gây bệnh là hệ miễn dịch mất đi khả năng phân biệt các bộ phận cơ thể với tác nhân gây hại bên ngoài. Thông thường, khi có các yếu tố ngoại lai tấn công, cơ thể sẽ huy động hệ thống miễn dịch để kích hoạt tế bào bảo vệ. Với một số người, phản ứng miễn dịch này đáp ứng quá mức, sau khi tác nhân gây bệnh bị tiêu diệt, hệ thống miễn dịch không điều hòa trở lại, dẫn đến việc nhận biết nhầm các bộ phận cơ thể là gây hại, gây tổn thương các cơ quan này. Một trong những bộ phận bị tác động nhiều nhất khi mắc bệnh tự miễn là hệ xương khớp - nơi có nhiều phân tử collagen.
Mỗi bệnh nhân sẽ có những triệu chứng khác nhau. Biểu hiện lâm sàng thường gặp nhất là: giai đoạn đầu bệnh nhân mệt mỏi kéo dài không rõ nguyên nhân; giai đoạn toàn phát sẽ sốt dai dẳng, đau mỏi toàn thân, đau đầu. Tiếp theo, bệnh nhân đau cơ, sưng nóng đỏ đau ở các khớp, tràn dịch khớp...
"Nếu không được điều trị kịp thời, các triệu chứng ngày càng trở nên phức tạp hơn. Nhiều trường hợp xương khớp biến dạng cong vẹo hoặc phì đại, ảnh hưởng đến khả năng cầm nắm và đi lại. Thậm chí có nguy cơ biến chứng nguy hiểm, tàn phế suốt đời", Phó giáo sư Hồng Hoa nói.
Để phân biệt, cơn đau khớp do tự miễn kéo dài, không giảm bớt khi nghỉ ngơi, đau nhiều vào nửa đêm - thời điểm chuyển tiếp sang ngay hôm sau, cơ thể xảy ra nhiều phản ứng, có dấu hiệu nhiễm trùng, sưng viêm, tràn dịch... Còn với đau do thoái hóa khớp, cơn đau mang tính cơ học, khi hoạt động nhiều sẽ đau, nghỉ ngơi sẽ hết, không gây viêm.

Phó giáo sư Đặng Hồng Hoa thảo luận về ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh lý cơ xương khớp.
Viêm khớp tự miễn không thể điều trị dứt điểm
Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh, Giám đốc trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, TP HCM nhấn mạnh, viêm khớp tự miễn là bệnh lý mạn tính. Bệnh mang yếu tố miễn dịch nên chỉ có thể điều trị theo hướng để bệnh "nằm yên" chứ không khỏi hoàn toàn. Việc điều trị giúp mang đến cuộc sống thoải mái hơn cho bệnh nhân, giảm các cơn đau.
Một trong số phương pháp điều trị mới đang được ứng dụng là tái tạo mô tổn thương bằng ứng dụng huyết tương giàu tiểu cầu tự thân hoặc sử dụng tế bào gốc tự thân, ghép tế bào gốc đồng loại. Nó hiệu quả với bệnh lý cơ xương khớp dai dẳng, phức tạp như thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp...
Tuy nhiên, các giải pháp nội khoa trên chỉ phát huy hiệu quả nếu phát hiện sớm. Trong trường hợp bất khả kháng, bệnh trở nặng, đau đớn, khó vận động, có nguy cơ tàn phế thì cần phẫu thuật thay khớp.
"Thay khớp là một cuộc cách mạng của ngành chấn thương chỉnh hình, giúp người bệnh quay về cuộc sống bình thường. Sau khi thay khớp, người bệnh vẫn phải tái khám thường xuyên", tiến sĩ Nam Anh nói.
Trong đó, phẫu thuật thay khớp háng là phương pháp cực kỳ phức tạp, ẩn chứa nhiều rủi ro. Theo phương pháp truyền thống, bác sĩ sẽ thay khớp háng lối sau vì phẫu trường rộng rãi, dễ quan sát. Tuy vậy vết mổ dài trên 10 cm, cắt qua nhiều cơ và gân, mất máu nhiều, ảnh hưởng lớn đến kết quả phục hồi.

Tiến sĩ Tăng Hà Nam Anh (giữa) cùng êkip đang phẫu thuật nội soi khớp gối tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM vào tháng 9.
Để khắc phục nhược điểm này, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh hiện áp dụng kỹ thuật mới SuperPath có đường mổ nhỏ, mở vào bao khớp phía trên có thể đảm bảo các yếu tố: thao tác thuận lợi, ít tàn phá phần mềm, giảm đau tối đa và vẫn đạt yếu tố thẩm mỹ. Sau mổ, bệnh nhân hồi phục nhanh, ít đau đớn và có thể xuất viện sau 2- 3 ngày. Tiến sĩ Tăng Hà Nam Anh là một trong số ít chuyên gia tại Đông Nam Á được cấp chứng chỉ thế giới của kỹ thuật này.
Các chuyên gia nhấn mạnh, để phòng ngừa bệnh tự miễn mỗi người cần bỏ thuốc lá, tập thể dục thường xuyên. Lối sống lành mạnh giúp cơ bắp dẻo dai, ngăn ngừa loãng xương, giảm căng thẳng và bảo vệ tim mạch, duy trì khả năng linh hoạt của khớp. Việc tập luyện duy trì mỗi ngày, cường độ vừa phải, nghỉ ngơi hợp lý sau khi tập luyện.
Bệnh nhân mắc lupus ban đỏ cần tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và ánh sáng huỳnh quang để chống lại sự nhạy cảm với tia UV. Song song người bệnh cần bổ sung vitamin D ngăn ngừa loãng xương do giảm tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Rửa tay thường xuyên giúp ngăn ngừa nhiễm trùng ở những người đặc biệt nhạy cảm. Để giảm cơn đau, người bệnh có thể tắm nước nóng, bồn tắm và các biện pháp giảm căng thẳng khác, bao gồm châm cứu, yoga; kết hợp nghỉ ngơi để giảm nguy cơ bùng phát.
Minh Tú (Ảnh: Bệnh viện đa khoa Tâm Anh)