Trả lời:
Hiện chưa có nghiên cứu cụ thể nào khẳng định uống nhiều trà sữa gây vô sinh, tuy nhiên loại thức uống này chứa nhiều caffeine và lượng đường cao có thể gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản ở cả nam và nữ. Một số nghiên cứu cho thấy tiêu thụ quá nhiều caffeine ảnh hưởng đến khả năng mang thai tự nhiên và hiệu quả của các phương pháp hỗ trợ sinh sản, làm tăng nguy cơ sảy thai, dị tật thai nhi bẩm sinh.
Một cốc trà sữa chứa khoảng 30-50 g đường, trong khi lượng khuyến nghị đường một ngày đối với nữ giới là 25 g đường và 36 g đối với nam giới. Chế độ ăn uống có mối liên hệ mật thiết với khả năng rụng trứng, nội tiết tố... Nạp quá nhiều đường trong trà sữa có thể dẫn đến mất cân bằng nội tiết tố, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, suy giảm chất lượng trứng, tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường và ảnh hưởng đến khả năng mang thai.
Nếu bạn đang muốn có con nên có chế độ dinh dưỡng khoa học, trong đó tránh uống trà sữa quá mức. Mức caffeine được khuyến nghị cho mỗi phụ nữ không vượt quá 167 mg mỗi ngày. Phụ nữ đang cố gắng mang thai hoặc trong thai kỳ cần hạn chế lượng caffeine nạp vào cơ thể, thậm chí cân nhắc ngừng sử dụng các thực phẩm chứa caffeine. Nếu bạn vẫn muốn uống trà sữa có thể giảm lượng đường thấp và tránh uống nhiều.

Lượng caffeine và đường cao trong trà sữa có thể gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản ở cả nam và nữ. Ảnh minh họa: Đình Lâm
Bạn có thể ưu tiên nước ép trái cây nguyên chất, ăn nhiều trái cây tươi như việt quất, dâu tây, mâm xôi, ổi, trái cây họ cam quýt... để bổ sung nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa cho cơ thể. Nên uống nhiều nước để hỗ trợ quá trình chuyển hóa và trao đổi chất. Bạn nên có chế độ dinh dưỡng đa dạng protein, đạm, rau xanh... Hạn chế thực phẩm nhiều đường, chế biến sẵn nhiều dầu mỡ. Duy trì các hoạt động vận động nhẹ nhàng giúp tăng cường sức khỏe tổng thể, giảm căng thẳng và mệt mỏi.
Một cặp vợ chồng được chẩn đoán vô sinh khi quan hệ tình dục đều đặn, không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào mà sau một năm hoặc 6 tháng với phụ nữ trên 35 tuổi mà vẫn không mang thai. Vợ chồng bạn nên đi khám sớm để bác sĩ chẩn đoán chính xác nguyên nhân muộn con. Tùy thuộc nguyên nhân, tình trạng bệnh lý, bác sĩ xây dựng phác đồ điều trị cá thể hóa phù hợp nhất để sớm có con khỏe mạnh.
ThS.BS Trần Ngọc Vân Anh
Khoa Hỗ trợ sinh sản,
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh - Quận 8
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |