Ngày 25/9, BS.CKI Nguyễn Đức Hưng, Phó khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết 2-3 nhánh động mạch vành phải của ông Xuân hẹp khít, gần tắc hoàn toàn. Nhánh cấp máu cho vùng phía dưới tim tắc nghẽn gây thiếu máu nặng dẫn đến chết cơ tim. Bệnh nhân cần được tái thông mạch vành gấp, chậm trễ có nguy cơ suy tim, tử vong.
Bác sĩ đặt một khung hợp kim (stent) có tác dụng nong, chống đỡ giúp mở rộng lòng mạch máu nuôi quả tim đang tắc hẹp. Sau thủ thuật, người bệnh tỉnh táo và xuất viện sau hai ngày. "Tôi không nghĩ mắc bệnh tim mạch, tưởng chỉ viêm dạ dày", ông Xuân nói.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến, Trưởng khoa Tim mạch, cho biết một số trường hợp cơn đau nhồi máu cơ tim không tương xứng với tổn thương mạch vành, biểu hiện không điển hình hoặc không có biểu hiện (nhồi máu cơ tim im lặng). Bác sĩ giải thích do cơ thể người là một thể thống nhất, khi tim có vấn đề gây phản ứng lên hệ thần kinh. Trường hợp của ông Xuân, phần cơ tim chết nằm ngay bên trên dạ dày, nên vùng lân cận có phản ứng theo, gây cảm giác như đau dạ dày.

Ê kíp tái thông mạch vành cho người nhồi máu cơ tim. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh
Bác sĩ Hưng cho biết nhồi máu cơ tim là tình trạng hẹp tắc cấp tính động mạch vành do nứt vỡ mảng xơ vữa, hình thành cục huyết khối dẫn đến lấp tắc lòng động mạch vành. Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh tim mạch.
Biểu hiện điển hình của nhồi máu cơ tim thường là một cơn đau ngực trái, đau ở vị trí sau xương ức, đau nặng tức lan ra sau lưng, cánh tay trái. Cơn đau xuất hiện sau gắng sức, lo lắng.
Trong 1-2 giờ đầu từ khi có triệu chứng nhồi máu cơ tim, người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện. 2-6 giờ sau đó, các phương pháp cứu cơ tim giảm hiệu quả hơn. Thời gian càng muộn, bệnh nhân có nguy cơ biến chứng nặng vì số cơ tim chết lan rộng, có thể chết vĩnh viễn, can thiệp không còn hiệu quả.
Phó giáo sư Bạch Yến khuyến cáo nhóm người có nguy cơ cao như nam trên 50 tuổi hoặc phụ nữ sau mãn kinh, người có bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, thận mạn, rối loạn mỡ máu di truyền... dù không có biểu hiện đau ngực, vẫn nên tầm soát tim mạch. Sau đặt stent mạch vành, người bệnh cần duy trì thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, tái khám đúng hẹn.
Thanh Ba
20h, ngày 26/9, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến "Nhồi máu cơ tim - Phòng ngừa và thời điểm vàng can thiệp mạch". Chương trình được phát trên fanpage VnExpress và bệnh viện Tâm Anh với sự tham gia của PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến, BS.CKI Nguyễn Đức Hưng. Độc giả gửi câu hỏi tại đây. |