Đường huyết tăng đột biến, còn được gọi là glucose tăng đột biến, thường xảy ra sau khi ăn thực phẩm nhiều đường, dầu mỡ. Triệu chứng tăng đột biến lượng đường trong máu gồm cảm thấy khát, mệt mỏi và đói, đi tiểu nhiều. Ngoài nguyên nhân do thực phẩm, một số tác nhân dưới đây cũng ảnh hưởng lớn đến lượng đường trong máu.
Cảm lạnh
Cảm lạnh gây khó thở, mệt mỏi, chán ăn. Lượng đường trong máu tăng lên khi cơ thể hoạt động chống lại bệnh tật. Uống nước và các chất lỏng khác để giữ đủ nước, hỗ trợ ổn định đường huyết. Một số loại thuốc kháng sinh cũng có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu của người bệnh.
Ngủ quá ít hoặc ngủ không ngon giấc
Chất lượng giấc ngủ kém gây mệt mỏi, khiến khả năng kiểm soát và phân hủy lượng đường trong máu không hiệu quả. Lúc này cơ thể cũng sử dụng insulin kém, từ đó làm thay đổi đường huyết theo hướng tiêu cực. Người trưởng thành nên ngủ đủ 7-8 giờ mỗi đêm, không sử dụng điện thoại hoặc máy tính bảng trước khi đi ngủ. Hạn chế cà phê sau 16h và thư giãn trước khi đi ngủ giúp ngon giấc hơn.
Tập thể dục quá mức
Vận động nhiều hay thực hiện các bài tập nặng như tập tạ, chạy đua gây áp lực cho cơ thể, kích thích giải phóng các hormone như cortisol, adrenaline. Cơ thể có xu hướng đốt cháy các nguồn năng lượng dự trữ như glucose và chất béo làm ảnh hưởng đến quá trình phân hủy glucose, khiến lượng đường trong máu tăng.
Bệnh răng miệng
Người bệnh tiểu đường có nguy cơ viêm nướu răng, do lượng đường trong máu cao thúc đẩy tình trạng nhiễm trùng toàn cơ thể. Ngược lại, răng miệng bị viêm hoặc nhiễm trùng có thể khiến hệ thống phòng thủ của cơ thể hoạt động quá mức. Điều này gây khó kiểm soát insulin và lượng đường trong máu hơn.
Căng thẳng
Khi căng thẳng, cơ thể giải phóng các hormone làm tăng lượng đường trong máu nhanh hơn. Triệu chứng thường rõ rệt và nặng hơn ở người bệnh tiểu đường. Thư giãn bằng cách hít thở sâu và tập thể dục đều đặn, giảm áp lực công việc, cuộc sống để bớt căng thẳng.
Anh Chi (WebMD)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh đái tháo đường tại đây để bác sĩ giải đáp |