Giải đáp thắc mắc

* Vui lòng điền chính xác thông tin để nhận được tư vấn tốt nhất từ chuyên gia của Hệ thống TT Tiêm chủng VNVC.
Giới tính (*)
Tôi muốn tiêm vaccine cúm và vaccine phế cầu cho tôi và con trai 3 tuổi thì có được tiêm cùng buổi tiêm, có cần lưu ý gì không?
Hoàng, 55 tuổi, Ninh Bình
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Cúm và phế cầu cùng là vaccine bất hoạt, vì vậy có thể tiêm được cùng một buổi tiêm. Các nghiên cứu chỉ ra rằng phản ứng miễn dịch của cơ thể khi tiếp nhận cả hai loại vaccine này cùng lúc không bị giảm sút. Người tiêm không gặp tình trạng gây quá tải hệ miễn dịch hoặc tăng phản ứng sau tiêm.

Trước tiêm, bạn và con trai sẽ được khám sàng lọc kỹ. Bác sĩ sẽ đánh giá tình hình sức khỏe hai cha con, tiền sử bệnh lý và dị ứng để quyết định mũi tiêm phù hợp. Bạn cũng nên chuẩn bị kỹ các thông tin, chia sẻ kỹ với bác sĩ về các bệnh nếu hai cha con đang mắc, cũng như các phản ứng sau khi tiêm các vaccine trước đó. Hai loại vaccine sẽ được tiêm ở các vị trí chi khác nhau.

Hiện Việt Nam có vaccine cúm tứ giá ngừa 4 chủng virus cúm gồm A/H1N1, A/H3N2, B/Victoria và B/Yamagata chỉ định cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn. Trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi cần tiêm hai mũi cách nhau tối thiểu một tháng nếu chưa từng tiêm phòng cúm trước đó. Trẻ từ chín tuổi và người lớn tiêm một mũi và tiêm nhắc lại hàng năm.

Với phế cầu, hiện có vaccine Synflorix (Bỉ) phòng 10 chủng phế cầu tiêm từ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi. Vaccine Prevenar 13 (Mỹ) phòng 13 chủng phế cầu, tiêm từ 6 tuần tuổi đến người lớn. Vaccine phế cầu 23 (Pneumovax 23), phòng chống 23 chủng phế cầu, tiêm cho trẻ từ 2 tuổi đến người lớn. Trường hợp bạn và con bạn 3 tuổi chỉ cần tiêm 1 mũi phế cầu 13.

Việc tiêm cúm và phế cầu cùng lúc sẽ giúp tăng cường khả năng đối phó với các mầm bệnh truyền nhiễm, giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng hô hấp, nhập viện, tử vong và duy trì sức khỏe tốt hơn. Lý do, vaccine phế cầu giúp phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng do phế cầu khuẩn gây ra như viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa, nhiễm trùng huyết... Còn vaccine cúm giúp cơ thể chống lại các chủng virus cúm lưu hành phổ biến gây viêm phổi, viêm tai giữa, viêm não...

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Con gái được 6 tuần tuổi, tôi muốn đăng ký tiêm vaccine 6 trong 1 tại VNVC thì lịch tiêm thế nào, nên tiêm vaccine của Bỉ hay của Pháp tốt hơn?
Quỳnh Quỳnh, 31 tuổi, Đông Hòa, Dĩ An, Bình Dương
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Hiện Việt Nam có hai loại vaccine 6 trong 1 gồm Hexaxim (Pháp) và Infanrix Hexa (Bỉ), ngừa 6 bệnh truyền nhiễm như bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và các bệnh do vi khuẩn Haemophilus influenzae type B (Hib) gây ra chỉ trong một mũi tiêm. Cả hai loại vaccine này đều được chứng minh an toàn, tạo miễn dịch vững chắc cho trẻ, giúp giảm số mũi tiêm, hạn chế số lần tiêm, giảm số lần theo dõi sau tiêm chủng nhưng vẫn đảm bảo khả năng phòng bệnh cho trẻ. Ngoài ra, vaccine 6 trong 1 chứa thành phần ho gà vô bào tinh chế, chỉ chứa thành phần kháng nguyên đặc hiệu sau khi đã loại bỏ những thành phần không cần thiết khác của vi khuẩn. Vì vậy, vaccine ít gây phản ứng phụ hơn loại vaccine khác chứa thành phần ho gà toàn tế bào.

Trong đó, giá vaccine 6 trong 1 Hexaxim (Pháp) khoảng 1.048.000 đồng/liều, còn vaccine 6 trong 1 Infanrix Hexa (Bỉ) có giá khoảng 1.015.000 đồng/liều. Tại VNVC, hiện cả hai vaccine này đang được ưu đãi chỉ còn 996.000 đồng/liều. Bạn có thể tham khảo website đăng thông tin giá cụ thể và các ưu đãi tại đây: https://vnvc.vn/gia-tiem-chung-vac-xin/

Lịch tiêm của cả hai vaccine là:

Mũi 1: lần tiêm đầu tiên

Mũi 2: 1 tháng sau mũi 1

Mũi 3: 1 tháng sau mũi 2

Mũi 4: cách mũi thứ 3 là 12 tháng (cách tối thiểu 6 tháng)

Cả 4 mũi vaccine cần hoàn thành trước 2 tuổi.

Bạn có thể chọn vaccine 6 trong 1 Hexaxim (Pháp), hoặc vaccine 6 trong 1 Infanrix Hexa (Bỉ) để tiêm cho con. Trước khi tiêm, trẻ sẽ được khám sàng lọc kỹ trước tiêm để bác sĩ đánh giá tình hình sức khỏe, có quyết định mũi tiêm phù hợp. Bạn cần chia sẻ đầy đủ về sức khỏe, tiền sử dị ứng với thuốc của con, hoặc trẻ có đang sử dụng loại thuộc nào không để bác sĩ đánh giá.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Tôi 41 tuổi, muốn đến VNVC tiêm vaccine HPV thì nên chọn loại HPV 9 hay HPV 4 để tiêm? Lịch tiêm, giá tiêm như thế nào?
Quách Tân, 41 tuổi, Quỳnh Đôi, Hai Bà Trưng, Hà Nội
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Hiện Việt Nam có hai loại vaccine phòng ngừa HPV. Trong đó, vaccine Gardasil phòng 4 type HPV gồm 6, 11, 16, 18 chỉ định tiêm cho bé gái, phụ nữ trong độ tuổi 9-26. Vaccine Gardasil 9 phòng ngừa 9 type HPV 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58, được chỉ định tiêm cho nam, nữ từ 9-45 tuổi. Hiệu quả bảo vệ của vaccine là trên 90% khi tiêm đủ liều, đúng lịch. Các nghiên cứu cho thấy vaccine giúp sinh miễn dịch tốt, nồng độ kháng thể duy trì ở mức cao và hiệu quả kéo dài.

Vaccine Gardasil 9 hiện có giá 2.950.000 đồng/mũi. Trường hợp của bạn đã 41 tuổi, là nam thì tiêm vaccine Gardasil 9. Lịch tiêm vaccine này với người từ tròn 15 tuổi đến 45 tuổi tại thời điểm tiêm lần đầu tiên có phác đồ 3 mũi gồm:

Mũi 1: lần tiêm đầu tiên trong độ tuổi

Mũi 2: cách mũi 1 ít nhất 2 tháng

Mũi 3: cách mũi 2 ít nhất 4 tháng

Để được tư vấn chủng ngừa vaccine HPV, bạn có thể liên hệ đến các hệ thống tiêm chủng như VNVC để được tư vấn, khám sàng lọc và chỉ định tiêm ngừa phù hợp với lịch sử tiêm chủng của bản thân.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Tôi không bị chó cắn nhưng muốn đi tiêm phòng dại để tạo kháng thể chủ động. Tuy nhiên, tôi có kinh phí thấp, nên mỗi tháng tôi tiêm một lần khi đủ 5 lần (tức 5 tháng thì tôi chuyển ra 1-2 năm tiêm một lần) có được không? Cảm ơn bác sĩ.
Nguyễn Văn Cường, 48 tuổi, Bác giang
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Vaccine dại hiện có thể chủ động tiêm trước khi chó, mèo hoặc động vật có vú máu nóng cắn, cào, giúp cơ thể có kháng thể chủ động phòng bệnh, đặc biệt trong các trường hợp khó tiếp cận huyết thanh.

Lịch tiêm vaccine trước phơi nhiễm chỉ cần 3 mũi, không phải gồm 5 mũi. Bạn cần hoàn thành 3 mũi trong vòng 1 tháng vào các ngày 0, 7, 21 hoặc ngày thứ 28. Trường hợp của bạn muốn tiêm một mũi một tháng chưa phù hợp với phác đồ.

Nếu đã tiêm vaccine dự phòng thì các lần bị cắn, cào sau chỉ cần tiêm thêm 2 mũi vào ngày 0 và ngày 3 và không cần tiêm huyết thanh kháng dại dù vết thương có nặng. Sau đó, để duy trì kháng thể tốt, 1 năm sau các liều tiêm cơ bản, bạn nên tiêm nhắc lại 1 mũi, sau đó nhắc lại 1 mũi mỗi 5 năm sau đó.

Hiện Việt Nam có hai loại ngừa dại gồm Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ), tiêm bắp hoặc tiêm trong da. Đây là vaccine dại thế hệ mới sản xuất từ tế bào vero với quy trình khép kín, được kiểm soát chặt chẽ nhằm tăng độ tinh khiết, không chứa tế bào thần kinh, nên người tiêm hoàn toàn yên tâm về độ an toàn.

Giá tiêm vaccine dại tại VNVC hiện dao động từ 250.000 đồng đến 425.000 đồng/mũi, tùy loại vaccine. Bạn có thể cân nhắc tài chính để được chủng ngừa dại đầy đủ, giúp cơ thể có kháng thể chủ động với dại. Việc bạn tiêm vaccine trước phơi nhiễm, thì khi không may bị cắn, cào hay tiếp xúc với virus dại chỉ cần tiêm thêm 2 mũi mà không cần tiêm huyết thanh sẽ đỡ tốn chi phí hơn.

Lịch tiêm 5 mũi vaccine dại dành cho người chưa từng tiêm chủng trước đây và có thể phải tiêm huyết thanh để tạo kháng thể nhanh nhất để trung hòa vaccine dại.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Tôi muốn tiêm vaccine sốt xuất huyết cho cả nhà tại VNVC thì chi phí ra sao? Có được khuyến mại không?
Lê Hạnh, 55 tuổi, Hàm Minh, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận
ThS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Vaccine sốt xuất huyết do hãng dược phẩm Takeda (Nhật Bản) nghiên cứu, phát triển, được chỉ định tiêm cho trẻ từ 4 tuổi và người lớn, giúp phòng ngừa cả bốn type huyết thanh sốt xuất huyết Den-1, Den-2, Den-3, Den-4, đồng thời ngăn tái nhiễm. Hiệu quả phòng bệnh hơn 80%, khả năng ngăn bệnh nặng, biến chứng hơn 90%. Lịch tiêm 2 mũi trong 3 tháng. Vaccine Qdenga hiện có giá gần 1,4 triệu đồng/mũi. Bạn có thể tham khảo các chương trình ưu đãi khi đến tiêm vaccine sốt xuất huyết ở VNVC tại đây.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Trẻ 8 tuổi chưa tiêm vaccine não mô cầu thì lịch tiêm như thế nào?
Thanh Hữu, 43 tuổi, Gò Cát, TP Thủ Đức, TP.HCm
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Việt Nam đã có 3 loại vaccine não mô cầu gồm vaccine Bexsero (Italy) thế hệ mới phòng nhóm não mô cầu B, cho khả năng bảo vệ với chủng vi khuẩn nhóm B rộng hơn so với loại phòng não mô cầu BC của Cuba, tiêm từ 2 tháng đến 50 tuổi. Trẻ từ 2 tháng tuổi đến dưới 2 tuổi cần tiêm hai mũi cơ bản cách nhau tối thiểu hai tháng và nhắc lại một mũi khi từ một tuổi. Người 2-50 tuổi có lịch tiêm hai mũi cơ bản cách nhau tối thiểu một tháng và không nhắc lại.

Mengoc BC (CuBa) phòng hai nhóm vi khuẩn não mô cầu B và C tiêm cho trẻ 6 tháng tuổi đến người lớn 45 tuổi, lịch tiêm 2 mũi cách nhau từ 6 đến 8 tuần. Vaccine Menactra (Mỹ) phòng 4 nhóm vi khuẩn não mô cầu A, C, Y, W-135, tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi đến người lớn 55 tuổi, lịch tiêm 2 mũi cách nhau ít nhất 3 tháng.

Con bạn năm nay 8 tuổi, nếu chưa tiêm vaccine não mô cầu, bạn nên đưa cháu đi tiêm càng sớm càng tốt. Lý do, vi khuẩn não mô cầu lây lan qua đường hô hấp khi người khỏe mạnh hít phải các giọt bắn nhiễm khuẩn của người, người lành mang trùng hoặc tiếp xúc gián tiếp với vật dụng, bề mặt dính virus. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp não mô cầu vào nhóm bệnh nguy hiểm hàng đầu. Mỗi năm toàn cầu có hơn 2,5 triệu ca nhiễm và khoảng 240.000 ca tử vong vì căn bệnh này, cứ 6 người mắc có một người không qua khỏi.

Tại Việt Nam, não mô cầu là một trong 6 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất. Thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tỷ lệ mắc bệnh viêm màng não mô cầu ở Việt Nam lên đến khoảng 2,3/100.000 dân. Trẻ vị thành niên là lứa tuổi có nguy cơ cao mắc não mô cầu. Bạn nên đến cơ sở tiêm chủng để được tư vấn tiêm đầy đủ các loại vaccine phòng 5 nhóm huyết thanh não mô cầu và mũi tiêm phù hợp độ tuổi. Trước khi tiêm, trẻ sẽ được bác sĩ khám, tư vấn kỹ.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Tôi quan hệ tình dục với người mắc sùi mào gà, nguy cơ lây nhiễm ra sao? Tôi cần làm gì để phòng ngừa?
Trần Thị Hoa, 37 tuổi, Tổ 4, khối phố 9, phường An Xuân, TP Tam Kỳ, Quảng Nam
ThS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Sùi mào gà là bệnh truyền lây truyền qua đường tình dục, triệu chứng phổ biến gồm tiểu buốt, chảy dịch vùng niệu đạo ở nam, ra khí hư hôi ở nữ hoặc tổn thương một số vùng da và niêm mạc ở bộ phận sinh dục. Bạn đã quan hệ với người mắc bệnh thì có nguy cơ cao lây nhiễm. Bạn nên đi khám, làm các xét nghiệm để biết chính xác, điều trị sớm, tránh bị biến chứng và tái phát bệnh. Bạn cũng nên kiêng quan hệ tình dục trong thời gian này và không nên sử dụng chung đồ dùng cá nhân để tránh truyền bệnh cho người khác.

Nguyên nhân gây bệnh sùi mào gà virus HPV do virus HPV (Human Papillomavirus), với type HPV 6 và 11 gây ra. Sau khi lây nhiễm vào cơ thể, virus không được đào thải, phát triển thành sùi mào gà sau 6-10 tháng. Bệnh có tỷ lệ tái phát cao, lần mắc sau nguy cơ nặng, dễ bị nhiễm trùng hơn lần trước, đặc biệt ở nữ giới. Lý do, một số tế bào ở da và niêm mạc bộ phận sinh dục có thể bị nhiễm virus mà chưa biểu hiện bệnh, hoặc hệ miễn dịch suy yếu.

Vaccine là biện pháp chủ động, an toàn và hiệu quả để phòng HPV. Hiện nước ta có hai loại vaccine HPV gồm vaccine Gardasil và Gardasil 9 phòng lần lượt 4 chủng và 9 chủng virus HPV nguy cơ cao. Trong đó, vaccine Gardasil 9 tiêm cho cả nam và nữ từ 9-45 tuổi.

Bạn 37 tuổi có thể tiêm ngừa vaccine HPV Gardasil 9. Phác đồ Gardasil 9 cho người từ 15 -45 tuổi có 3 mũi trong vòng 6 tháng. Tiêm đủ liều, vaccine có khả năng bảo vệ lên đến hơn 90%. Bạn thuộc nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh vẫn có thể tiêm vaccine HPV. Lý do, virus HPV có nhiều chủng khác gây bệnh đường sinh dục, ngoài sùi mào gà, còn gây ra các bệnh ung thư tại cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, hậu môn, ung thư hầu họng...

Trước khi tiêm vaccine, bạn cần được tư vấn, khám sàng lọc kỹ tình hình sức khỏe. Bạn cũng nên chia sẻ đầy đủ về tình hình sức khỏe, có đang điều trị sùi mào gà, sử dụng loại thuốc nào hay đang mắc bệnh gì để bác có quyết định mũi tiêm phù hợp.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Chào bác sĩ! Tôi năm nay 27 tuổi, vừa khỏi thủy đậu xong. Tôi muốn hỏi bác sĩ là hiện tại tôi có thể tiêm vaccine zona thần kinh không? Và nếu có thì các cơ sở nào tôi có thể tiêm, cũng như các loại vaccine và chi phí của từng loại hiện nay là như thế nào vậy ạ? Cảm ơn bác sĩ ...
Trí, 27 tuổi, TP.HCM
BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm

Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn,

Vaccine zona thần kinh đã có mặt tại Việt Nam từ tháng 10/2024, triển khai tiêm đầu tiên và rộng khắp tại hơn 210 trung tâm tiêm chủng của VNVC. Vaccine dùng cho người từ 50 tuổi trở lên và người từ 18 tuổi có nguy cơ cao mắc zona thần kinh do bị các bệnh lý hoặc sử dụng các thuốc, liệu pháp điều trị gây ức chế hoặc có khả năng bị ức chế miễn dịch.

Theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi vẫn biết thêm các thông về tình trạng sức khỏe cũng như các bệnh lý nền có thể bạn đang mắc để đưa ra chỉ định tiêm ngừa phù hợp nhất với bạn. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, zona thần kinh không gây thành dịch nhưng ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống của người bệnh như nhiễm trùng da, viêm loét giác mạc, đau thần kinh sau zona...

Tại Mỹ, có khoảng 1 triệu trường hợp mắc zona thần kinh mỗi năm. Tại Anh, cứ 10 người lớn thì có 9 người bị nhiễm virus thủy đậu và cứ 4 người thì có 1 người có nguy cơ mắc bệnh zona thần kinh trong đời. Vaccine được xem là biện pháp chủ động phòng zona an toàn, hiệu quả cao.

Do đó, để được tư vấn tiêm ngừa phù hợp với tìm trạng sức khỏe của bản thân, bạn có thể đến các trung tâm tiêm chủng dịch vụ như VNVC để các bác sĩ khám sàng lọc và đưa ra chỉ định tiêm ngừa phù hợp nhất.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Nam giới 32 tuổi cần tiêm vaccine HPV không thưa bác sĩ? Tôi chuẩn bị kết hôn thì cần tiêm những loại vaccine nào khác nữa không. Mong bác sĩ giải đáp!
Đặng Minh Nhật, 32 tuổi, TP.HCM
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

HPV là tác nhân của hàng loạt các bệnh tình dục và ung thư nguy hiểm ở cả nam và nữ giới như sùi mào gà, ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, hậu môn, vòm họng. Vaccine là biện pháp chủ động, an toàn và hiệu quả để phòng HPV. Hiện nước ta có hai loại vaccine HPV gồm vaccine Gardasil và Gardasil 9 phòng lần lượt 4 chủng và 9 chủng virus HPV nguy cơ cao. Trong đó, vaccine Gardasil 9 tiêm cho cả nam và nữ từ 9-45 tuổi.

Trường hợp của bạn là nam, 32 tuổi có thể tiêm ngừa vaccine HPV Gardasil 9. Phác đồ Gardasil 9 cho người 15-45 tuổi có 3 mũi trong vòng 6 tháng. Tiêm đủ liều, vaccine có khả năng bảo vệ lên đến hơn 90%.

Bên cạnh đó, bạn có nhu cầu tiêm ngừa các vaccine tiền hôn nhân, đây là bước chuẩn bị quan trọng cho sức khỏe của cả hai vợ chồng. Bạn cần chú ý tiêm ngừa các nhóm vaccine phòng bệnh qua đường hô hấp như cúm, phế cầu, sởi, bạch hầu, ho gà, quai bị...; nhóm vaccine phòng bệnh lây qua đường tiêu hóa như viêm gan A, tả, thương hàn; nhóm vaccine phòng bệnh lây qua đường tình dục như HPV, viêm gan B cũng như các vaccine quan trọng khác như sốt xuất huyết, uốn ván... Trong đó, vaccine viêm gan B tiêm nhắc khi kháng thể giảm, vaccine phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván cần tiêm nhắc 10 năm/lần, vaccine cúm tiêm nhắc mỗi năm.

Các vaccine có số mũi tiêm và khoảng cách giữa các mũi khác nhau. Bạn và cả vợ bạn cần đến các trung tâm tiêm chủng như VNVC để bác sĩ khám sàng lọc, tra cứu lịch sử tiêm chủng của hai vợ chồng và đưa ra chỉ định tiêm ngừa phù hợp với từng cá nhân.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Đọc tin tức tôi thấy sởi vẫn tăng và nhiều người cũng khuyến cáo tiêm ngừa đi. Tôi năm nay 38 tuổi không nhớ lịch sử tiêm ngừa trước đây thì có được tiêm sởi không, thủ tục và chi phí thế nào ạ?
Cao Thanh Thanh, 38 tuổi, Bình Dương
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Một người mắc sởi có thể lây cho 12-18 người. Hầu hết những người chưa có kháng thể do chưa tiêm vaccine hoặc chưa từng mắc bệnh đều có nguy cơ mắc bệnh. Cả trẻ em và người lớn chưa có miễn dịch đều có thể mắc bệnh và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm phổi, viêm kết mạc, viêm giác mạc, bội nhiễm gây viêm tai giữa, viêm ruột...

Sởi có thể lây trước cả khi bệnh nhân phát ban sởi. Vaccine là biện pháp phòng bệnh chủ động, an toàn, hiệu quả cao. Hai mũi vaccine có hiệu quả phòng bệnh lên đến 98%. Trong tình hình sởi đang lan nhanh, gia tăng số ca mắc nặng ở cả trẻ em và người lớn tại nhiều tỉnh thành, bạn 38 tuổi không nhớ lịch sử tiêm ngừa nên tiêm vaccine sởi.

Các trung tâm tiêm chủng dịch vụ như VNVC hiện đang có đầy đủ các loại vaccine phòng sởi đơn và vaccine kết hợp phòng sởi - quai bị - rubella. Vaccine sởi tiêm cho trẻ em từ 9 tháng tuổi và người lớn. Lịch tiêm cho người lớn gồm 2 mũi cách nhau 1 tháng.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Thưa bác sĩ, có một lần tôi đi đá bóng do mệt lên ngửa đầu lên trời. Đúng lúc đó trên đầu tôi có vài con dơi muỗi. Ở quê tầm chiều tối rất nhiều loại dơi này. Và vô tình có một giọt nước bay vào miệng của tôi. Tôi đã tìm hiểu và rất lo bản thân có bị dại không mong bác ...
Nguyễn Văn Cường, 25 tuổi, Bắc Ninh
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Virus gây bệnh dại có trong nước bọt của các động vật nhiễm dại như chó, mèo, dơi... và lây sang người qua việc cắn, cào hoặc liếm vào vết thương hở. Đường lây hiếm gặp hơn là lây truyền qua niêm mạc do tiếp xúc hoặc hít phải không khí giọt nhỏ chứa virus dại trong hang dơi hoặc tai nạn ở phòng thí nghiệm. Tại Mỹ, dơi còn đứng đầu danh sách động vật lây truyền dại phổ biến tại nước này.

Trường hợp của bạn mô tả có giọt nước rơi vào miệng khi đàn dơi bay qua, tuy nhiên vẫn chưa rõ giọt nước này có phải là nước bọt của dơi và chúng có mang virus dại hay không. Tuy nhiên, đường lây qua tiếp xúc với nước bọt của dơi ở Việt Nam rất hiếm, vì vậy khả năng bạn bị lây virus dại trong tình huống này rất thấp.

Với trường hợp của bạn hay tiếp xúc với động vật hoang dã, ở xa cơ sở y tế, bạn có thể đến trung tâm tiêm chủng VNVC để được tư vấn tiêm vaccine dự phòng trước phơi nhiễm, tức trước khi bị cắn, cào. Việc này giúp cơ thể tạo ra kháng thể, bảo vệ sớm với bệnh dại. Các lần phơi nhiễm sau, bạn chỉ cần tiêm thêm 2 mũi và không cần tiêm huyết thanh kháng dại.

Trường hợp phơi nhiễm dại và chưa tiêm dự phòng trước đó, phác đồ gồm 3-5 mũi tùy theo tình trạng con vật, tình trạng vết thương, lịch sử tiêm chủng và đường tiêm. Tùy vào tình trạng vết thương có thể cần tiêm huyết thanh theo chỉ định của bác sĩ.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Chào bác sĩ em bị chó liếm khoảng 1 năm trước và em không còn nhớ là vết thương ra sao nhưng khoảng 1-2 tháng nay thì con chó liếm đó đã chết. Do không biết con chó chết vì bệnh dại, có phải bệnh dại hay không nên em rất lo lắng. Bây giờ em có nên đi tiêm vaccine không bác sĩ, tiêm ...
Ngô Duy khái, 23 tuổi, Cà mau
BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm

Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Virus dại có trong nước bọt của động vật nhiễm bệnh và lây truyền qua các vết cắn, cào, liếm vào vết thương hở. Thông thường, thời gian ủ bệnh dại từ 2-8 tuần, có thể ngắn khoảng 10 ngày hoặc kéo dài đến hơn 1 năm.

Theo các nghiên cứu, động vật gây bệnh dại sẽ chết trong vòng 10 ngày kể từ khi phát triệu chứng. Trường hợp của bạn theo dõi được con vật và con vật mới chết khoảng 1, 2 tháng nay thì vào thời điểm con vật liếm bạn khoảng 1 năm trước, nó chưa mắc bệnh dại. Do đó, bạn hoàn toàn yên tâm không có nguy cơ lây nhiễm bệnh dại từ con chó này.

Dại hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu. Tỷ lệ tử vong gần 100% khi phát bệnh. Vaccine và huyết thanh là biện pháp phòng bệnh duy nhất hiện có. Hiện ngoài các trường hợp tiêm vaccine dại sau khi bị chó cắn, cào, người dân vẫn có thể tiêm vaccine dự phòng dại trước khi bị cắn cào, giúp bảo vệ sớm cho người thường xuyên tiếp xúc với động vật, người thường xuyên du lịch đến nơi khó tiếp cận y tế khi có vết thương. Lịch tiêm trước khi bị cắn, cào chỉ cần 3 mũi, giúp cơ thể tạo kháng thể sẵn, chống lại virus dại khi xâm nhập và không cần tiêm huyết thanh kháng dại dù vết thương có nặng.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Cho tôi hỏi bé nhà tôi bị mèo hoang cào xước nhẹ ở mu bàn tay. Gia đình đã vệ sinh và cho bé đi tiêm vaccine kháng dại mũi 1 vào ngay ngày hôm sau. Đến nay, bé đã tiêm được 2 mũi vaccine dại trên tổng 5 mũi. Hôm nay thì hàng xóm cho tôi biết vẫn nhìn thấy con mèo còn sống ...
Trần Đào, 36 tuổi, TP.HCM
ThS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua các vết cắn, cào, liếm vào vết thương hở do động vật có vú máu nóng gây ra, chiếm đa số là chó, mèo. Do đó, với trường hợp con bạn bị mèo hoang cắn, cào có nguy cơ nhiễm dại.

Dại hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu. Một khi đã phát bệnh, tỷ lệ tử vong gần 100%. Thông thường, thời gian ủ bệnh dại từ 2-8 tuần, có thể ngắn khoảng 10 ngày hoặc kéo dài đến hơn 1 năm.

Hiện bạn vẫn quan sát được con vật còn sống đến mũi tiêm thứ 2, tức vào ngày thứ 7 thì chưa chắc chắn con mèo không mắc bệnh dại. Bạn cần tiếp tục quan sát tiếp con vật, tiêm chủng tiếp theo liệu trình và thông báo với bác sĩ để được tư vấn tiêm các mũi phù hợp.

Nếu con vật không mắc bệnh dại, vaccine vẫn có tác dụng bảo vệ con bạn trong tương lai. Các lần bị chó mèo cắn cào sau chỉ cần tiêm thêm 2 mũi và không cần tiêm huyết thanh kháng dại dù vết thương có nặng.

Hiện phác đồ tiêm dự phòng trước phơi nhiễm tức trước khi bị chó, mèo cắn cào vẫn được áp dụng cho các đối tượng có nguy cơ cao phơi nhiễm dại, đi đến những nơi khó tiếp cận vaccine dại và huyết thanh kháng dại.

Với câu hỏi của bạn về huyết thanh kháng dại, tùy theo vết thương, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm. Tuy nhiên, huyết thanh kháng dại chỉ được chỉ định tiêm trong vòng 7 ngày kể từ khi có vết thương, do đó trường hợp của bạn đã quá 7 ngày sẽ không tiêm được nữa.

Bên cạnh đó, các vaccine dại hiện được sử dụng tại Việt Nam đều là vaccine thế hệ mới, không chứa các tế bào thần kinh, đã được chứng minh an toàn và hiệu quả cao, không gây ảnh hưởng đến trí nhớ hay khả năng học tập của con bạn. Bạn hoàn toàn có thể yên tâm cho sức khỏe của con khi được chỉ định chủng ngừa.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.

Tôi bị mèo hoang cào, có nguy cơ mắc bệnh dại không?
Nguyễn Thị Bình, 20 tuổi, Hà Nội
BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm

Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua các vết cắn, cào, liếm vào vết thương hở của động vật có vú máu nóng, chiếm đa số là chó, mèo. Do đó, với trường hợp bạn bị mèo hoang cắn sẽ có nguy cơ nhiễm dại.

Dại không có thuốc điều trị đặc hiệu, vaccine là cách phòng bệnh duy nhất hiện có. Với các vết thương do động vật gây ra, bạn cần sơ cứu vết thương bằng cách rửa với xà phòng dưới vòi nước sạch trong 15 phút, sau đó rửa lại với cồn y tế. Bạn chú ý không nặn máu, không làm dập nát, không băng kín vết thương khiến virus dại đi vào cơ thể nhanh hơn. Sau đó, bạn cần đến các cơ sở y tế, trung tâm tiêm chủng như VNVC để được tư vấn tiêm ngừa.

Phác đồ vaccine dại gồm 3-5 mũi tùy theo tình trạng con vật, tình trạng vết thương, lịch sử tiêm chủng và đường tiêm. Trong đó, vaccine dại có thể tiêm dự phòng trước khi bị cắn, cào cho người thường xuyên tiếp xúc với động vật, du lịch/làm việc ở nơi xa các cơ sở y tế nếu có vết thương do động vật. Phác đồ dự phòng gồm 3 mũi, nếu bị cắn cào sau đó, chỉ cần bổ sung 2 mũi và không cần tiêm huyết thanh.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Tôi mới bị zona thần kinh thì có tiêm chủng vaccine được không?
Nguyễn Văn Cường, 55 tuổi, Hòn Chồng - Vĩnh Phước - Nha Trang
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Vaccine zona thần kinh (giời leo) đã có mặt tại nước ta từ tháng 10/2024, triển khai tiêm đầu tiên tại Hệ thống tiêm chủng VNVC. Vaccine có tên gọi Shingrix, do hãng dược phẩm GSK sản xuất ở Bỉ, tiêm cho người từ 50 tuổi trở lên và người từ 18 tuổi có nguy cơ cao mắc zona thần kinh.

Vaccine có hiệu quả phòng bệnh cao lên đến hơn 97% ở người từ 50 tuổi trở lên và 70-87% ở người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao mắc zona thần kinh do bị các bệnh lý hoặc sử dụng các thuốc, liệu pháp điều trị gây ức chế hoặc có khả năng bị ức chế miễn dịch. Vaccine còn giúp giảm biến chứng đau thần kinh sau zona và các biến chứng khác hơn 90%.

Đối với người từng mắc zona thần kinh, vaccine vẫn có giá trị bảo vệ, phòng tái phát, phòng các biến chứng khi tái phát như đau thần kinh sau zona, zona thần kinh mắt… và hạn chế lây nhiễm virus gây bệnh sang người khác. Người từng mắc zona thần kinh cần điều trị bệnh ổn định trước khi tiêm ngừa. Để xác định thời điểm tiêm phù hợp, bạn cần tư vấn với bác sĩ tại các trung tâm tiêm chủng như VNVC để có chỉ định tiêm ngừa cá nhân hóa với tình trạng sức khỏe của bản thân.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

vaccine

Bạn đã được chuyển sang trang đăng ký của VNVC, đối tác VnExpress