Bà Khải phát hiện mắc bệnh tim 30 năm trước, sức khỏe ngày càng yếu sau khi sinh con thứ hai. Năm ngoái bà mệt mỏi kèm khó thở, ngủ phải gối cao như ngồi, khám tại một số bệnh viện được chẩn đoán hẹp van hai lá nặng, suy tim, bác sĩ chỉ định phẫu thuật thay van nhưng bà từ chối. Đầu năm nay, bà đau tức ngực, khó thở khi gắng sức nhẹ, tim đập rất nhanh, cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Ngày 5/5, BS.CKII Nguyễn Văn Dương, Trung tâm Tim mạch Can thiệp, cho biết bà Khải bị hẹp khít van hai lá (diện tích mở của van hai lá dưới 1 cm2), hở van động mạch chủ mức độ trung bình, rung nhĩ với tần số tim nhanh, suy tim nặng, huyết khối ở nhĩ trái.
Hẹp van hai lá là tình trạng van tim hai lá không thể mở hoàn toàn để máu đổ từ tâm nhĩ trái xuống tâm thất trái. Tình trạng này khiến cho một lượng máu đọng lại tâm nhĩ trái, tăng áp lực và gây ứ máu tại phổi dẫn đến mệt, khó thở. Bệnh ở giai đoạn đầu thường ít có biểu hiện triệu chứng, do đó nhiều người đi khám ở giai đoạn muộn, van tim hẹp rất nặng và đã suy tim. "Bà Khải là trường hợp phức tạp với nhiều yếu tố nguy cơ cao", bác sĩ Dương nói.
GS.TS.BS Võ Thành Nhân, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Can thiệp, đánh giá phẫu thuật thay van thì kết quả lâu dài nhưng nguy cơ biến chứng cao do phải chạy tuần hoàn ngoài cơ thể. Trường hợp nong van hai lá bằng bóng qua da thì ít xâm lấn hơn, thời gian phục hồi nhanh hơn, hiệu quả duy trì được khoảng 7-10 năm. Ở bệnh nhân điều trị phòng thấp (bệnh thấp tim) tốt hoặc trên 45 tuổi, kết quả duy trì lâu hơn, có bệnh nhân tới 20 năm. Bà Khải hở van động mạch chủ mức độ trung bình, nếu phẫu thuật thay van hai lá có khả năng sau này phải mổ thêm một lần nữa để sửa chữa tổn thương ở van động mạch chủ. Bệnh nhân chọn phương án nong van hai lá.
Trước can thiệp, êkíp bác sĩ điều trị huyết khối nhĩ trái bằng thuốc kháng đông trong 4 tuần nhằm ngăn ngừa cục máu đông vỡ, gây tắc mạch, đột quỵ. Siêu âm tim qua thực quản xác nhận loại trừ hoàn toàn huyết khối. Kiểm tra chỉ số Wilkins - chỉ số đánh giá hình thái van hai lá trên siêu âm tim nhằm tiên lượng hiệu quả của thủ thuật, ghi nhận mức độ 9. Chỉ số này trên 8 thường chống chỉ định hoặc thận trọng khi nong van hai lá vì tổn thương nặng, xơ hóa, vôi hóa nhiều. Bệnh nhân có thể xảy ra biến chứng hở van hai lá nặng, suy tim diễn tiến xấu.

Giáo sư Nhân (trái) cùng bác sĩ Dương (phải) kiểm tra bóng nong trước khi can thiệp cho người bệnh. Ảnh: Thanh Luận
Êkíp chuẩn bị mọi kịch bản để phòng nguy cơ có thể xảy ra. Thủ thuật diễn ra khoảng 60 phút, người bệnh được gây tê tại chỗ, hoàn toàn tỉnh táo trong suốt quá trình can thiệp. Bà Khải cao gần 1,6 m, đường kính van hai lá tương ứng là 26 mm. Ban đầu bác sĩ bơm bóng lên đường kính 23 mm để nong từng bước, giảm nguy cơ hở van hai lá, siêu âm tim ghi nhận diện tích lỗ van mở 1,5 cm2. Sau đó, bác sĩ tăng đường kính bóng lên 24 mm, độ mở tăng lên 1,99 cm2. Kiểm tra chỉ số huyết áp, nhịp tim, áp lực các buồng tim cho thấy diện tích lỗ van đạt hiệu quả, êkíp quyết định dừng lại để tránh biến chứng có thể xảy ra nếu lên bóng đường kính quá lớn đối với van của người bệnh.
Sau can thiệp, bà Khải hết khó thở, hết ngủ ngồi, tình trạng suy tim cải thiện, xuất viện sau hai ngày. Bác sĩ kê một số loại thuốc kiểm soát bệnh tim, chỉ định bà tái khám theo lịch.

Giáo sư Nhân (thứ hai từ phải sang) cùng êkíp kiểm tra sức khỏe cho bà Khải trước khi xuất viện. Ảnh: Minh Huyền
Hẹp van hai lá là một trong những bệnh van tim phổ biến. Nguyên nhân gây bệnh bao gồm sốt thấp khớp, vôi hóa vòng van và lá van tim, bệnh tự miễn (lupus ban đỏ, viêm đa khớp dạng thấp), dị tật tim bẩm sinh... Người cao tuổi, hút thuốc lá, mắc bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu... cũng có nguy cơ cao mắc bệnh. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, hẹp van hai lá có thể gây biến chứng như tăng áp lực động mạch phổi, suy tim, tim to, rung nhĩ, huyết khối. Phương pháp điều trị tùy thuộc vào triệu chứng, mức độ bệnh mà lựa chọn dùng thuốc, nong van hai lá bằng bóng, phẫu thuật sửa van hai lá hoặc thay van.
Người bệnh cần ăn uống lành mạnh, giảm muối, duy trì cân nặng hợp lý, hạn chế cafein, không hút thuốc, uống rượu, giảm hoạt động gắng sức, uống thuốc theo chỉ định, khám sức khỏe 3-6 tháng một lần để hạn chế bệnh tiến triển nặng. Người có biểu hiện khó thở về đêm hoặc khi gắng sức, đau ngực, mệt mỏi, phù chân, tim đập nhanh, chóng mặt hoặc ngất, ho ra máu... cần đến ngay cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Ngọc Châu
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |