Chị Lan bị đái tháo đường type 2 đã điều trị ổn định. Chị mang thai lần thứ hai đến tuần thai 30, bác sĩ phát hiện chỉ số đường huyết cao, tiêm insulin để kiểm soát. Cách nhập viện hai tuần, chị đau đầu, hoa mắt, đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM huyết áp tăng lên 204/114 mmHg (bình thường 120/80 mmHg).
Ngày 6/5, BS.CKII Nguyễn Thị Ngọc, Trung tâm Tim mạch, cho biết chỉ số huyết áp trên 200 mmHg như chị Lan rất nguy hiểm. Nếu không điều trị kịp thời, người bệnh đối diện nguy cơ đột quỵ, đau tim, suy thất trái cấp tính kèm phù phổi, đau ngực không ổn định, phình bóc tách động mạch chủ, suy thận cấp, viêm cầu thận cấp, sản giật, bệnh võng mạc...
Bác sĩ cấp cứu, truyền thuốc hạ huyết áp cho chị nhằm giảm chỉ số xuống 160/100-110 mmHg trong 2-6 giờ tiếp theo, và hạ huyết áp về bình thường sau 24-48 giờ. Sau hai ngày, chỉ số huyết áp ổn định hơn nhưng bác sĩ đánh giá vẫn ở mức cao 148/86 mmHg. Chỉ số đường huyết của người bệnh cao, lúc đói là 153 mg/dL, sau ăn hai tiếng là 135 mg/dL, trong khi mức bình thường lúc đói dưới 95 mg/dL và dưới 120 mg/dL sau ăn hai giờ. TS.BS Nguyễn Thị Yến Thu, Trung tâm Sản Phụ khoa, chẩn đoán chị Lan bị tiền sản giật nặng, đái tháo đường thai kỳ.
Tiền sản giật là một biến chứng nghiêm trọng của thai kỳ, thường xuất hiện sau tuần thứ 20 và phổ biến trong 3 tháng cuối. Đây là tình trạng tăng huyết áp kèm theo tổn thương ở một số cơ quan, phổ biến nhất là thận (gây protein niệu), gan, não và mắt.
"Nguyên nhân tiền sản giật có thể liên quan đến việc thai phụ có tiền căn đái tháo đường type 2, lúc mang thai trở nên trầm trọng", bác sĩ Thu lý giải. Phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường type 1 hoặc type 2 từ trước có khả năng mắc tiền sản giật cao gấp 4 lần so với phụ nữ không mắc bệnh. Nếu không kiểm soát tốt, đường huyết cao gây nguy hiểm cho cả mẹ lẫn bé. Người mẹ có thể mắc bệnh lý, võng mạc, bệnh lý mạch vành và nhiễm trùng tiết niệu, tăng nguy cơ tiền sản giật, sản giật, hôn mê do nhiễm ceton.
Chị Lan được điều trị tiêm insulin ngày ba lần, tiếp tục sử dụng thuốc điều chỉnh huyết áp. Tuy nhiên, những ngày theo dõi tiếp theo, huyết áp vẫn dao động ở mức 150-160/100 mmHg. Các bác sĩ tiên lượng nếu tình trạng không cải thiện, phải chấm dứt thai kỳ để bảo vệ tính mạng người mẹ. Thai mới hơn 31 tuần tuổi, nếu sinh non có nguy cơ suy hô hấp, vàng da, nhiễm trùng... Các bác sĩ lên kế hoạch kéo dài thai kỳ thêm ít ngày để thai nhi phát triển thêm, đồng thời tiêm thuốc trưởng thành phổi cho thai.
Ngày thứ 7 nhập viện, huyết áp chị Lan tăng trở lại lên 175/110 mmHg, kèm nguy cơ suy tim, đột quỵ do tiền sản giật diễn tiến nặng. Êkíp mổ khẩn cấp. Bé trai chào đời lúc 32 tuần 2 ngày, nặng 1,8 kg, bác sĩ hỗ trợ thở ngay tại phòng mổ, sau đó chuyển đến Trung tâm Sơ sinh của bệnh viện, nằm trong lồng ấp của phòng chăm sóc đặc biệt (NICU). Tình trạng bé tạm ổn định, phản xạ tốt, được theo dõi hô hấp, nuôi dưỡng tĩnh mạch trong những ngày đầu.
Một ngày sau sinh, chị Lan hồi phục nhanh, không còn đau đầu hay chóng mặt, huyết áp giảm về mức 120/70 mmHg mà không cần dùng thuốc. Người bệnh tiếp tục tiêm insulin và tuân thủ chế độ ăn kiểm soát nghiêm ngặt dành riêng cho người mắc bệnh đái tháo đường để kiểm soát đường huyết.

Con của chị Lan được điều trị tại Trung tâm Sơ sinh, sau 3 tuần đã tự thở khí trời. Ảnh: Tuệ Diễm
Bác sĩ Yến Thu khuyến cáo phụ nữ có tiền sử đái tháo đường nên được tư vấn tiền thai kỳ kỹ lưỡng, kiểm soát đường huyết chặt chẽ trước và trong khi mang thai. Khi đến ba tháng cuối thai kỳ, cần theo dõi sát chỉ số huyết áp, protein niệu, đường huyết, dấu hiệu cảnh báo tiền sản giật. Tầm soát đái tháo đường thai kỳ thường được thực hiện khi thai 24 tuần.
Người bệnh có yếu tố nguy cơ như đái tháo đường trước khi có thai, cần theo dõi và kiểm soát đường huyết tốt để có hướng xử trí kịp thời, hạn chế các biến chứng có thể xảy ra ở mẹ và thai. Các trường hợp có yếu tố nguy cơ khác như tiền căn đái tháo đường thai kỳ ở lần mang thai trước cần tầm soát đái tháo đường thai kỳ ngay từ lần khám thai đầu tiên.
Tuệ Diễm
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |