Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết vi khuẩn phế cầu là nguyên nhân hàng đầu gây viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết... Người lớn, nhóm trên 65 tuổi, hệ miễn dịch lão hóa, nhiều bệnh nền có nguy cơ mắc phế cầu xâm lấn, nguy cơ tử vong càng cao. Tuy nhiên, những hiểu nhầm dưới đây khiến người dân chủ quan phòng bệnh, dẫn tới nhiễm và mắc bệnh nặng:
Phế cầu chỉ gây bệnh nhẹ
Theo bác sĩ Chính, phế cầu khuẩn hiện có hơn 100 type huyết thanh gây bệnh từ nhẹ đến nặng. Ở người bình thường, vi khuẩn phế cầu thường trú ở mũi, họng và đường thở gọi là người lành mang trùng. Khi gặp điều kiện thuận lợi, tác nhân phế cầu có thể tấn công và gây ra các bệnh lý viêm nhiễm tại chỗ như viêm mũi họng, viêm xoang, viêm tai giữa... Mầm bệnh cũng có thể xâm lấn gây viêm phổi, có thể dẫn đến suy hô hấp cấp tính, viêm mủ màng phổi, nhiễm trùng huyết...
Viêm phổi do phế cầu có tỷ lệ tử vong 10-20%, lên đến 50% ở trẻ nhỏ và người già. Viêm màng não có tỷ lệ tử vong lên đến 50%, có thể để lại các di chứng nặng nề như điếc, mù, liệt, động kinh, chậm phát triển trí tuệ... Người lớn trên 65 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi, có bệnh mạn tính hoặc suy giảm miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm và biến chứng.

Phế cầu khuẩn gây biến chứng khi không chữa trị kịp thời. Ảnh: Vecteezy
Bệnh do phế cầu khuẩn không phổ biến
Nghiên cứu về Gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2021 ghi nhận thế giới có khoảng 344 triệu ca nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới và khoảng 2,2 triệu ca tử vong. Trong đó, phế cầu khuẩn là tác nhân chính gây nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới và tử vong, với khoảng 97,9 triệu ca nhiễm và hơn 500.000 ca tử vong. Phế cầu khuẩn gây ra khoảng 25% số ca viêm phổi mắc phải trong cộng đồng.
Trên thế giới, đã có 2,5 triệu người đã tử vong vì viêm phổi trong năm 2019, trong đó có 672.000 trẻ em. Riêng Việt Nam, tỷ lệ tử vong do viêm phổi là 18,2 trên 100.000 dân.
Dễ điều trị bằng kháng sinh
Tổ chức Y tế Thế WHO công bố phế cầu khuẩn không còn nhạy cảm với penicillin, trở thành họ vi khuẩn đe dọa sức khỏe con người. Các thuốc kháng sinh như beta-lactam hoặc macrolide hiện được ưu tiên dùng cho bệnh nhiễm phế cầu khuẩn. Tuy nhiên việc điều trị sẽ khó khăn hơn khi vi khuẩn kháng nhiều loại thuốc.
Năm 2021, nghiên cứu trên 90 trẻ tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An từ 2 tháng đến 5 tuổi về tình hình kháng kháng sinh của vi khuẩn trong điều trị viêm phổi được công bố. Trong đó, các chuyên gia kết luận tỷ lệ phế cầu kháng kháng sinh azithromycin, erythromycin, clarithromycin là 100%.
Phế cầu sống ở vùng hầu họng, thường bội nhiễm tác nhân khác nên dễ gây trở nặng, đặc biệt là cúm. Theo nghiên cứu, người mắc cúm bội nhiễm phế cầu tăng nguy cơ tử vong gấp 8 lần. Tỷ lệ tử vong do bệnh phế cầu xâm lấn có thể lên đến 25%, dù được điều trị kháng sinh hợp lý.
Điều trị không tốn kém
Theo bác sĩ Chính, đây là quan niệm sai. Báo cáo đăng tải trên Thư viện Y khoa quốc gia Mỹ năm 2019, khảo sát 186 người cao tuổi bị viêm phổi do phế cầu khuẩn, điều trị tại một bệnh viện ở Brazil. Kết quả, trong hơn 7 năm, chi phí cho bệnh nhân trên 65 tuổi là khoảng 2.000 USD mỗi người. Chi phí chăm sóc những bệnh nhân dưới 65 tuổi trung bình hơn 1.700 USD mỗi người.
Hàng năm, các nước châu Âu chi hơn 10 tỷ euro cho việc điều trị viêm phổi. Trong đó Đức chi khoảng 1.300 USD cho mỗi trường hợp nhập viện do viêm phổi cộng đồng. Tại Việt Nam, phí điều trị trung bình mỗi bệnh nhân viêm phổi trong cộng đồng dao động 15-23 triệu đồng (tương đương 600-1.000 USD), nằm viện khoảng 6-13 ngày.

Người trung niên tiêm vaccine phế cầu tại VNVC. Ảnh: Diệu Thuần
Vaccine phế cầu chỉ tiêm cho trẻ em
Bất kỳ ai cũng có thể nhiễm phế cầu khuẩn, từ 5-90% dân số khỏe mạnh mang khuẩn này ở vùng hầu họng, theo CDC Mỹ. Do đó, vaccine phòng các bệnh do phế cầu khuẩn được khuyến cáo tiêm cho: người trưởng thành, người cao tuổi, người có bệnh nền; người suy giảm chức năng hô hấp do từng mắc Covid-19, người suy giảm miễn dịch như mắc bệnh HIV, ung thư... hoặc người đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch.
Tiêm vaccine giúp phòng ngừa các type huyết thanh phổ biến, đặc biệt bệnh lý phế cầu xâm lấn như viêm màng não, viêm phổi kèm nhiễm khuẩn huyết... Mũi tiêm cũng giúp ngăn ngừa đồng nhiễm, bội nhiễm, giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh. Vaccine còn giúp giảm tỷ lệ người lành mang trùng và giảm khả năng lây từ người lành sang người có sức đề kháng kém.
Hiện vaccine phế cầu có ba loại, gồm: phế cầu 10 (Synflorix), phế cầu 13 (Prevenar 13) và phế cầu 23 (Pneumovax 23). Trong đó, loại phế cầu 10 tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến dưới 6 tuổi, phế cầu 13 tiêm cho trẻ từ 6 tuần và người lớn, phế cầu 23 tiêm cho trẻ từ 2 tuổi và người lớn.
Lịch tiêm vaccine tùy theo độ tuổi và lịch sử chủng ngừa. Bác sĩ Chính khuyến cáo phối hợp các vaccine ngừa phế cầu để hiệu quả bảo vệ lâu dài và toàn diện hơn. Nên hoàn thành lịch tiêm vaccine phế cầu 13 trước khi tiêm phế cầu 23.
Giá một mũi tiêm phế cầu dao động trên dưới một triệu đồng tùy loại. Giá thành chủng ngừa phụ thuộc vào nhiều yếu tố như công nghệ sản xuất, chi phí bảo quản, vận chuyển... Theo bác sĩ Chính, chi phí cho vaccine luôn thấp hơn điều trị.
Bình An
10h ngày 19/2, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC phối hợp cùng Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh và Pfizer Việt Nam, tổ chức Lớp tư vấn sức khỏe nhằm nâng cao kiến thức về các bệnh lý và vaccine phòng ngừa cho người lớn, người cao tuổi và có bệnh nền. Lớp tư vấn có hai nội dung như sau:
- Sự nguy hiểm của bệnh cúm và viêm phổi do phế cầu trong mùa Đông - Xuân do ThS.BSNT Nguyễn Thị Thúy Hậu, khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội chia sẻ.
- Vaccine phòng ngừa các bệnh hô hấp cho người lớn do BS Phạm Đình Đông, Quản lý Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC chia sẻ.
Lớp học diễn ra tại VNVC Hà Đông, tầng 3, Tòa nhà New Skyline, Khu đô thị mới Văn Quán – Yên Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội.
Độc giả quan tâm và đăng ký tham gia tại đây.