Một ngày sau ca can thiệp đặt stent 3 nhánh mạch vành tại BVĐK Tâm Anh TP HCM, ông Ngô Trịnh (64 tuổi, quận 3, TP HCM) không còn mệt mỏi, khó thở. Ông ăn uống ngon miệng, ngủ sâu giấc, tinh thần thoải mái vì các nhánh mạch vành tái thông hoàn toàn. Hai ngày sau, ông xuất viện.
Ông Trịnh có tiền căn tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá nhiều năm. Ông uống thuốc đều đặn, đo huyết áp thường xuyên thì chỉ số trong giới hạn cho phép (trên 130/80 mmHg). Từ đầu tháng 5, ông hay bị khó thở khi gắng sức, giảm khi nghỉ, hụt hơi khi leo cầu thang. Nghĩ mình lớn tuổi, triệu chứng này là bình thường nên ông không đi khám mà tiếp tục uống thuốc theo toa. Một tháng sau, cơn khó thở xuất hiện dày và nghiêm trọng hơn.
Thăm khám tại BVĐK Tâm Anh TP HCM, TS.BS Trần Minh Giang, khoa Nội tổng hợp cho biết ông Trịnh bị hội chứng mạch vành mạn tính, hẹp nặng (trên 90%) cả ba nhánh mạch vành. Nếu không kịp thời can thiệp để khơi thông lòng mạch tăng lượng máu đến tim, bệnh nhân có nguy cơ nhồi máu cơ tim.
Khác với bệnh mạch vành cấp tính, hội chứng này không biểu hiện bằng cơn đau thắt ngực đặc trưng mà diễn tiến âm thầm trong nhiều năm. Khi bệnh nhân cảm thấy khó thở lúc gắng sức với mức độ tăng dần là nhánh mạch vành rất nặng. Chính vì khó phát hiện nên hội chứng này được ví là tình trạng hẹp mạch vành "kín đáo".

Hình ảnh chụp mạch vành cho thấy động mạch vành phải hẹp 90% (hình A) và sau khi được đặt stent tái thông (hình B). Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh
Thử thách cho êkip là đặt đoạn stent đường kính lớn nhất với độ dài ngắn nhất nhằm giảm tối đa nguy cơ tái hẹp. Vì vậy, bác sĩ áp dụng kỹ thuật siêu âm trong lòng mạch (IVUS) để xác định chính xác kích thước lòng mạch, chọn stent phù hợp.
Thủ thuật kết thúc sau 60 phút. Cả 3 stent đặt vào 3 nhánh mạch máu nuôi tim đều đạt kích thước lý tưởng: 4,5x8 mm; 4x12 mm và 4x15 mm. Chụp lại mạch vành sau thủ thuật cho thấy stent bung tối đa áp sát thành mạch, không có tổn thương mạch máu, máu lưu thông tốt.
"Khi chọn 3 stent 'khổng lồ' để nong mạch cho bệnh nhân, chúng tôi nghĩ đến rủi ro làm tổn thương, thậm chí vỡ mạch máu. Nhưng nếu chọn stent đường kính nhỏ 3- 3,5 mm, khả năng phải đặt lại stent rất cao", BS.CKII Huỳnh Ngọc Long, Giám đốc Trung tâm Can thiệp mạch, BVĐK Tâm Anh TP HCM, chia sẻ.

BS.CKII Huỳnh Ngọc Long cùng êkip đặt stent nong mạch để cứu 3 nhánh mạch máu nuôi tim cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh
Bệnh mạch vành (suy mạch vành hay thiếu máu cơ tim) gồm có 2 thể: hội chứng động mạch vành cấp và bệnh động mạch vành mạn.
Hội chứng động mạch vành cấp bao gồm cơn đau thắt ngực không ổn định và nhồi máu cơ tim cấp, xảy ra do mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn, cấp tính do mảng xơ vữa bị nứt vỡ hoặc do huyết khối. Triệu chứng đau thắt ngực hoặc khó thở xảy ra đột ngột, mức độ nặng, kéo dài trên 15 phút kèm theo cảm giác vã mồ hôi, hoảng loạn, ngộp thở. Người bệnh cần đến bệnh viện cấp cứu ngay.
Ngược lại, bệnh mạch vành mạn thường xảy ra âm thầm và tiến triển trong nhiều thập kỷ. Triệu chứng của bệnh xuất hiện và tăng dần khi diễn tiến của hẹp mạch vành nặng lên theo thời gian.
Để phòng tránh bệnh mạch vành, người trẻ (độ tuổi 20-30), đặc biệt người có bố mắc bệnh này và tử vong khi dưới 65 tuổi và mẹ dưới 60 tuổi cần tuân thủ chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh; tránh thừa cân - béo phì; tập thể dục đều đặn; có kế hoạch khám sức khỏe tim mạch 6 tháng một lần.
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi