Bệnh nhân từ sân bay vào thẳng Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cấp cứu lúc rạng sáng, tình trạng hai chân giảm cảm giác, rối loạn đại tiện, bí tiểu, cầu bàng quang dọa vỡ. Các bác sĩ đặt ống thông tiểu và khởi động quy trình cấp cứu đa chuyên khoa. Kết quả chụp MRI cột sống và xét nghiệm thăm dò chức năng cho thấy tổn thương chèn ép tủy do khối máu tụ kéo dài 5 cm từ đốt sống D12 tới L1 (nằm ở đoạn bản lề ngực - thắt lưng).
Ngày 23/8, ThS.BS Nguyễn Văn Trọng, khoa Ngoại thần kinh, cho biết tụ máu ngoài màng tủy có thể tự phát hoặc do chấn thương, chọc dịch não tủy thắt lưng hoặc sau các cuộc phẫu thuật cột sống có mở ống sống. Bệnh cũng có thể xảy ra do chấn thương liên quan đến các bệnh đông máu, dị dạng tĩnh mạch... Tuy nhiên, ông Doanh trước đó khỏe mạnh, không có bệnh nền. Bác sĩ kết luận ông bị tụ máu ngoài màng cứng tủy sống nguyên phát (tức không có nguyên nhân), cấp tính. Tình trạng này xảy ra khi khối máu đông nằm trong khoang ngoài màng cứng của cột sống làm tổn thương chèn ép tủy sống, rễ thần kinh tủy sống gây mất chức năng vận động, cảm giác, cơ tròn tạm thời hoặc vĩnh viễn.
"Đây là bệnh hiếm gặp, tỷ lệ mắc bệnh khoảng 1/1.000.000 người, chiếm 0,3-0,9% tổn thương ngoài màng cứng", bác sĩ Trọng nói, thêm rằng triệu chứng cấp tính của ông Doanh xuất hiện đột ngột, khởi phát ở nước ngoài không được xử lý kịp thời nên về nước cấp cứu đã chuyển biến nặng.
Người bệnh có tình trạng chèn ép vùng chóp tủy (vùng nhạy cảm với áp lực của tủy sống). Khi không được điều trị, khối máu tụ có thể chèn ép chóp tủy gây thiếu máu tủy cấp tính. Khả năng hồi phục dẫn truyền thần kinh thấp, di chứng để lại nặng nề. Người bệnh có nguy cơ liệt vĩnh viễn hai chân, đại tiểu tiện không tự chủ, giảm chất lượng cuộc sống.
Êkíp sử dụng hệ thống kính vi phẫu có độ phóng đại và phân giải lớn để quan sát, xử lý triệt để tổn thương, giảm tối đa di chứng. Khi tiếp cận đến khoang ngoài màng cứng, bác sĩ ghi nhận các khối máu tụ lớn kéo dài từ đốt sống ngực D11 đến đốt sống thắt lưng L2 chèn ép vùng chóp tủy mạnh.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đức Anh, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, cho biết khối máu tụ tiếp tục chảy, tăng kích thước và phân đoạn chèn ép. Thời điểm chụp MRI, khối máu tụ chỉ chèn ép tại khu vực D12-L1, tuy nhiên khi phẫu thuật khối máu tụ đã lan tới D11-L2.
Êkíp cần phẫu thuật mở ống sống giải ép tủy nhiều hơn, khó khăn hơn. Để giải quyết vấn đề này, bác sĩ gây mê theo dõi và kiểm soát chặt chẽ các yếu tố mất máu trong suốt quá trình, chống phù tủy, đồng thời cố gắng bảo toàn cấu trúc khớp, xương, dây chằng tránh mất vững cột sống thứ phát cho người bệnh.

Người bệnh phục hồi tốt sau phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Các bác sĩ loại bỏ khối máu tụ thành công, giải phóng tủy sống các rễ thần kinh xung quanh. Hậu phẫu, ông Doanh phục hồi một phần sức cơ (trước mổ liệt hoàn toàn, sức cơ 0/5), tiếp tục theo dõi và tập phục hồi chức năng. Ông cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường protein, giảm tinh bột, bổ sung nhiều rau, củ, khoáng chất, uống đủ nước để nhanh liền vết mổ.
Triệu chứng ban đầu của tụ máu ngoài màng tủy thường là đau lưng. Cơn đau có thể dữ dội, đau nhói gia tăng nhanh tại vị trí xuất huyết. Tiến sĩ Đức Anh khuyến cáo người bệnh khi xuất hiện dấu hiệu chèn ép ngoài màng tủy như trên nên tới khám tại cơ sở y tế có chuyên môn Thần kinh - Cột sống gần nhất. Thời gian "vàng" điều trị là 24 giờ đầu, tốt nhất là 6 giờ. Can thiệp càng sớm, hiệu quả điều trị và phục hồi càng cao. Trường hợp khởi phát bệnh khi đang du lịch, như bệnh nhân trên, nên đến cơ sở y tế gần nhất điều trị, không nên chậm trễ.
Linh Đặng
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |