Ngày 14/11, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM tiếp nhận bệnh nhân nam Hoàng Thanh Bình (66 tuổi) bị hôn mê, co giật do hạ đường huyết. Trước khi nhập viện, vào khoảng 15h, ông đang làm việc bỗng chóng mặt rồi ngả lưng ra ghế. Đồng nghiệp của ông kể lại, lúc đó tưởng ông đang nghỉ ngơi. Đến 18h, khi mọi người ra về, ông trợn ngược mắt, lên cơn co giật, tay chân gồng cứng và được đưa đi cấp cứu.
Đường huyết của ông hạ xuống rất thấp, chỉ 38 mg/dL. Ở người bình thường, đường huyết trước khi ăn 90-130 mg/dL, sau khi ăn 1-2 giờ dưới 180 mg/dL. Nhận định người bệnh hôn mê, co giật do hạ đường huyết, BS.CKI Nguyễn Hoàng Khương truyền dịch glucose, theo dõi các chỉ số huyết áp, nhịp thở. Sau 10 phút, người bệnh hồi tỉnh.
"Nhờ nhập viện cấp cứu kịp thời, người bệnh được cứu sống, chức năng não không bị ảnh hưởng", bác sĩ Khương cho hay.

Ông Bình được truyền dịch truyền dịch glucose tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM vào ngày 14/11. Ảnh: Nguyễn Trăm
Ông Bình bị đái tháo đường type 2 đã 20 năm, uống thuốc và tiêm insuline đều đặn. Ông kể lại, vào buổi trưa xảy ra cơn co giật đã ăn uống và tiêm insuline xong mới đi làm.
Dấu hiệu hạ đường huyết
Theo bác sĩ Khương, hạ đường huyết là tình trạng lượng đường (glucose) trong máu hạ dưới mức 70 mg/dL. Nguyên nhân gây hạ đường huyết phổ biến nhất do tác dụng phụ của thuốc điều trị đái tháo đường, dùng quá liều insuline hoặc tiêm sai loại insuline. Ở một số trường hợp, người bệnh dù tiêm đúng loại và liều lượng nhưng chế độ ăn không đủ dinh dưỡng cũng dẫn đến hạ đường huyết.
Hạ đường huyết còn xảy ra ở người không bị đái tháo đường nhưng vô tình uống nhầm thuốc điều trị bệnh này; sử dụng thuốc quinine (qualaquin dùng điều trị bệnh sốt rét); uống nhiều rượu; mắc bệnh mạn tính (viêm gan, xơ gan, bệnh thận...) tiến triển xấu; luyện tập thể dục thể thao quá sức nhưng chế độ ăn uống không đủ chất...
Bác sĩ Khương cảnh báo, các tế bào não bộ cần glucose để hoạt động. Khi đường huyết thấp hơn 70 mg/dL, các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, bắt đầu xuất hiện. Mức đường huyết càng thấp, người bệnh bị tim đập nhanh, đổ mồ hôi, da tái nhợt, buồn nôn. Khi đường huyết tiếp tục giảm, não không nhận đủ glucose nên các hoạt động của não bị ảnh hưởng, dẫn đến mờ mắt, khó tập trung, suy nghĩ lẫn lộn, nói lắp, buồn ngủ. Tụt đường huyết trong thời gian dài, não không có glucose, gây co giật, hôn mê... thậm chí tử vong. Nhiều trường hợp người bệnh được cứu sống nhưng chết não vĩnh viễn.
Người bệnh đái tháo đường lâu năm thường bị tổn thương thần kinh nên dù chỉ số đường huyết dưới 70 mg/dL vẫn không xuất hiệu triệu chứng hoa mắt, chóng mặt hoặc có hoa mắt, chóng mặt nhưng nghĩ bình thường nên bỏ qua. Đo đường huyết thường xuyên, nhất là khi có các dấu hiệu bất thường như mệt mỏi, chóng mặt... giúp theo dõi mức đường huyết giảm và điều trị trước khi xuống quá thấp gây nguy hiểm tính mạng. Cân bằng giữa dùng thuốc điều trị, insuline, tập thể dục và chế độ ăn uống cũng là những lưu ý.
Người bệnh nên mang bên mình máy đo đường huyết, 5- 6 viên kẹo, đường, nước trái cây... để ăn hoặc uống ngay khi hạ đường huyết. Điều này giúp lượng đường trong máu không bị tụt thấp đến mức nguy hiểm, có thời gian đến bệnh viện để kiểm tra tình trạng sức khỏe. Nếu bị hôn mê, co giật, người bệnh cần đưa đến bệnh viện để cấp cứu kịp thời.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.
Nguyễn Trăm