Hai động mạch cảnh ở cổ mang phần lớn lưu lượng máu từ tim đến não. Theo thời gian, sự tích tụ của chất béo và cholesterol sẽ thu hẹp động mạch cảnh, làm tắc nghẽn các mạch máu dẫn đến não. Khi đó, nguồn cung cấp máu lên não bị gián đoạn hoặc giảm nghiêm trọng, tăng nguy cơ đột quỵ. Đột quỵ làm mất oxy trong não, trong vòng vài phút, các tế bào não bắt đầu chết. Đây là nguyên nhân gây tử vong và thương tật vĩnh viễn hàng đầu ở Mỹ.
Một cơn đột quỵ, đôi khi được gọi là "cơn đau não", tương tự như một cơn đau tim. Nó xảy ra khi dòng máu bị cắt khỏi một phần của não. Nếu tình trạng thiếu máu kéo dài hơn 3-6 tiếng, tổn thương thường vĩnh viễn. Đột quỵ có thể xảy ra nếu động mạch cảnh bị thu lại rất hẹp; có một đoạn động mạch đến não bị vỡ do xơ vữa động mạch; một mảng bám vỡ ra và đi đến các động mạch não nhỏ hơn; hoặc cục máu đông hình thành và làm tắc nghẽn mạch máu.

Người lớn tuổi dễ bị tích tụ chất béo và cholesterol, tăng nguy cơ hẹp động mạch cảnh, dẫn đến đột quỵ. Ảnh: Health Guide.
Đột quỵ có thể xảy ra do các nguyên nhân khác ngoài bệnh động mạch cảnh. Chẳng hạn, chảy máu đột ngột trong não (xuất huyết não), chảy máu đột ngột trong khoang dịch tủy sống (xuất huyết dưới nhện), rung tâm nhĩ, bệnh cơ tim, huyết áp cao, sự tắc nghẽn của các động mạch nhỏ bên trong não.
Bệnh động mạch cảnh phát triển chậm, người bệnh có thể không có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh. Mảng bám tích tụ trong động mạch cảnh theo thời gian mà không có dấu hiệu cảnh báo cho đến khi bạn gặp cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA) hoặc đột quỵ, với các triệu chứng như: tê đột ngột; khó nói (mất ngôn ngữ); khó nhìn; chóng mặt, khó đi lại, mất thăng bằng; yếu một bên cơ thể; ngứa ran hoặc tê một bên mặt; đau đầu dữ dội; khó nuốt; hay quên.
Người gặp các triệu chứng này nên thăm khám bác sĩ, bởi vì có tới 40% bệnh nhân đột quỵ có các dấu hiệu này từ trước.
Theo các chuyên gia, nếu xuất hiện tắc nghẽn trong các động mạch cảnh, có khả năng bệnh nhân đã tích tụ mảng bám trong các động mạch khác trên khắp cơ thể. Một số yếu tố nguy cơ như huyết áp cao, tiểu đường, hút thuốc, béo phì, chế độ ăn uống không lành mạnh và lối sống ít vận động có thể khiến bệnh nhân có nguy cơ bị hẹp động mạch cảnh cao hơn. Đây là "các yếu tố rủi ro có thể thay đổi được" vì chúng có thể được kiểm soát một phần hoặc hoàn toàn. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm tuổi tác, tiền sử gia đình và di truyền, hay còn gọi là các yếu tố rủi ro không thay đổi được.
Ngoài ra, sự tích tụ mảng bám xảy ra ở người trưởng thành, nhưng không phải tất cả mảng bám tích tụ sẽ hạn chế lưu lượng máu qua các mạch máu hoặc gây tắc mạch. Càng lớn tuổi, nguy cơ tích tụ càng cao. Nam giới có nhiều khả năng bị tích tụ mảng bám hơn phụ nữ.
Do đó, để giữ cho bệnh động mạch cảnh không tiến triển, người bệnh nên thay đổi lối sống như: bỏ hút thuốc; kiểm soát huyết áp cao; kiểm soát bệnh tiểu đường; kiểm tra sức khỏe định kỳ; kiểm tra cholesterol định kỳ và điều trị nếu cần thiết; thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh; duy trì cân nặng hợp lý; tập thể dục tối thiểu 30 phút mỗi ngày; hạn chế rượu bia. Chăm sóc tốt sức khỏe tim mạch có thể giúp giảm hẹp động mạch cảnh, giảm nguy cơ đột quỵ.
Châu Vũ
(Theo Mayo Clinic, WebMD, Health Fairview)