Trả lời:
Ngủ ngáy ảnh hưởng nhiều đến giấc ngủ. Trẻ ngủ ngáy thường thức giấc hoặc ngủ chập chờn khi ngáy to khiến giấc ngủ không sâu. Trẻ phải ngủ đúng chu kỳ khoảng 1,5 giờ mới có thể vào giấc ngủ sâu, sau đó ngủ sâu khoảng nửa tiếng rồi quay lại giấc ngủ nông trong một thời gian nhất định. Quá trình này lặp lại khoảng 4-5 lần trong đêm mới đúng chu kỳ giấc ngủ sinh lý bình thường.
Ngủ ngáy kèm theo nghiến răng ở trẻ em khá thường gặp, có thể là dấu hiệu ngưng thở khi ngủ, béo phì giảm thông khí, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển.
Bạn nên đưa bé đi khám để được bác sĩ đánh giá cụ thể. Bác sĩ có thể chỉ định đo đa ký hô hấp hoặc đa ký giấc ngủ để đánh giá, chẩn đoán các bệnh liên quan, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Kỹ thuật đo đa ký hô hấp có thể thực hiện ở trẻ nhỏ từ hai tuổi trở lên.
Trường hợp trẻ nghiến răng do sự phát triển chưa đồng bộ của khớp thái dương hàm, thường bác sĩ chỉ định khám thêm bệnh răng hàm mặt. Nghiến răng cũng có thể do amidan hay vòm họng trẻ chưa phát triển đầy đủ do lo lắng, căng thẳng quá mức gây nên.
Thừa cân béo phì là một trong những yếu tố dẫn đến ngủ ngáy. Song song với điều trị theo hướng dẫn bác sĩ, giảm cân hỗ trợ giảm ngủ ngáy, mang lại kết quả điều trị cao hơn. Phụ huynh nên thực hiện chế độ giảm cân phù hợp cho con theo tư vấn của bác sĩ.
Giấc ngủ rất quan trọng với trẻ, ảnh hưởng tới sự phát triển về mặt thể chất lẫn tinh thần. Hormone tăng trưởng của trẻ em tiết ra nhiều nhất vào giai đoạn giấc ngủ sâu đầu tiên. Nếu trẻ thức dậy liên tục trong đêm vì ngáy ảnh hưởng đến tăng trưởng.
BS.CKII Mã Thanh Phong
Quyền trưởng Đơn vị Hô hấp, Khoa Nội Tổng hợp
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |