Trả lời:
Trẻ sơ sinh không có hậu môn, phân đi ra qua đường âm đạo là dạng dị tật bẩm sinh hậu môn - trực tràng (Anorectal Malformation - ARM), cụ thể là rò trực tràng - âm đạo hoặc rò hậu môn - âm đạo. Trẻ bị dị tật này có thể có đường rò từ ống hậu môn ra các vị trí khác như tầng sinh môn, đường tiết niệu hoặc cơ quan sinh dục. Tình trạng này xảy ra khi quá trình hình thành hậu môn và trực tràng ở thai nhi không diễn ra bình thường.
Nguyên nhân có thể do yếu tố di truyền hoặc hội chứng Vactelr. Bệnh nhi mắc hội chứng này bị đa dị tật bẩm sinh bao gồm vấn đề về cột sống, hậu môn, tim, khí quản, thực quản, thận, tay, chân.
Dị tật hậu môn - trực tràng cần được phẫu thuật điều trị, tùy theo mức độ nặng nhẹ và thể dị tật cụ thể. Theo mô tả, bé nhà bạn có thể bị rò trực tràng - âm đạo, tức là trực tràng không thông ra ngoài qua hậu môn mà thông nhầm vào âm đạo. Nếu bé đi phân tốt qua âm đạo, không chướng bụng, ăn bú được thì có thể chưa cần mở hậu môn tạm ngay lập tức mà sẽ chụp phim, siêu âm, đo khoảng cách giữa trực tràng, da vùng hậu môn. Tuy nhiên, nhiều trường hợp vẫn cần mở hậu môn tạm để bảo vệ sức khỏe, tránh nhiễm trùng.
Khi bé được khoảng 3-6 tháng tuổi, bác sĩ sẽ cân nhắc phẫu thuật chỉnh hình hậu môn bằng phương pháp PSARP (Posterior Sagittal Anorectoplasty) nhằm tạo hình hậu môn mới tại đúng vị trí, cắt bỏ đường rò bất thường thông với âm đạo. Sau khi phẫu thuật, trẻ cần được nong hậu môn định kỳ bằng que để hậu môn mới không bị hẹp, tái khám theo lịch hẹn. Khi hậu môn mới hoạt động tốt, bác sĩ đóng hậu môn tạm, trả lại lưu thông bình thường.
Trường hợp bé bị bụng chướng to, không đi phân được, nôn ói, cần đưa đi cấp cứu ngay. Bác sĩ khám trực tiếp, tư vấn và lên kế hoạch phẫu thuật cụ thể.

Bác sĩ Trọng (ngoài cùng bên trái) phẫu thuật cho một bệnh nhi bị dị tật hậu môn - trực tràng. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Thai phụ cần khám thai định kỳ và sàng lọc trước sinh để phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh. Phát hiện sớm và điều trị kịp thời góp phần giảm các biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho trẻ.
BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng
Khoa Ngoại Nhi
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |