Dương Minh Khôi (Hà Nội) chàng trai đã lập "cú đúp" huy chương vàng và bạc tại các kỳ thi Olympic Tin học quốc tế 2022), có triệu chứng rối loạn nhịp tim cách đây một năm. Khám tại một số bệnh viện, Khôi được chẩn đoán nhịp nhanh nhĩ và được điều trị bằng thuốc, nhưng tình trạng không cải thiện.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, nhịp nhanh nhĩ (AT) là nhịp tim nhanh đều đặn với tần số trên 100 nhịp mỗi phút, bắt nguồn từ tâm nhĩ bên ngoài nút xoang. Cơn tim nhanh nhĩ thường lành tính, tuy nhiên nếu không điều trị có thể dẫn đến suy tim, bên cạnh đó làm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, khả năng gắng sức.
Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, ThS.BS Lê Mạnh Tăng, khoa Tim mạch, xác định Khôi có cơn nhịp nhanh nhĩ không rõ nguyên nhân. Hơn nữa, vị trí khởi phát rối loạn nhịp là một vùng trên cao của tâm nhĩ phải (không phải là một ổ nhỏ rối loạn nhịp bình thường). Do đó, phương pháp triệt đốt rối loạn nhịp thông thường rất khó thành công. Vì vậy, bệnh nhân được triệt đốt vùng cơ tim gây cơn nhanh nhĩ bằng năng lượng sóng tần số radio (RF) kết hợp hệ thống lập bản đồ 3 chiều giải phẫu - điện học buồng tim.

Hình ảnh ba chiều giải phẫu - điện học buồng nhĩ phải và điện tâm đồ ghi trong buồng tim của bệnh nhân 19 tuổi. Ảnh: BVĐK Tâm Anh
Sau thủ thuật, nhịp tim của Dương Minh Khôi trở lại bình thường (80 nhịp một phút), không còn cơn nhanh nhĩ. Khôi không còn cảm giác hồi hộp, trống ngực; sinh hoạt bình thường, sức khỏe ổn định và được xuất viện sau một ngày điều trị.
Phó giáo sư Bạch Yến cho biết, phương pháp triệt đốt cơn nhanh nhĩ bằng năng lượng sóng tần số radio kết hợp lập bản đồ điện học 3D giúp rút ngắn thời gian sử dụng tia X còn khoảng 1-2 phút (so với kỹ thuật thông thường 15-20 phút), thậm chí không cần dùng tia X. Hệ thống 3D giúp bác sĩ xác định được chính xác vị trí cơ tim gây ra cơn nhịp nhanh, triệt đốt nhanh, giảm nguy cơ tổn thương vùng cơ nhĩ, giảm biến chứng, hạn chế thủng tim. Đây là bước tiến trong lĩnh vực can thiệp điều trị rối loạn nhịp tim. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là một trong số ít bệnh viện được trang bị đầy đủ hệ thống lập bản đồ giải phẫu điện học 3D do kỹ thuật khó triển khai, chi phí đầu tư trang thiết bị cao.
"Nếu người bệnh bị các cơn tim nhanh nhĩ ngắn và thỉnh thoảng mới có cơn thì có thể điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, các trường hợp có cơn nhanh nhĩ kéo dài liên tục như Khôi thì cần triệt đốt sớm để ngăn ngừa các biến chứng. Ngoài ra, việc dùng thuốc lâu dài có thể gây tác dụng phụ của thuốc như rối loạn chức năng tuyến giáp, chức năng sinh dục...", Phó giáo sư Bạch Yến nhấn mạnh.

Bệnh nhân chuẩn bị xuất viện chỉ sau một ngày can thiệp điều trị rối loạn nhịp tim. Ảnh: BVĐK Tâm Anh
Cơn tim nhanh nhĩ ít gặp ở người trẻ dưới 20 tuổi và không có bệnh lý tim mạch. Ở người trẻ, tỷ lệ bệnh nhân nhanh nhĩ dao động từ 0,05-0,5%. Một nghiên cứu cho thấy, ở châu Âu, khoảng 0,46% người trẻ bị nhanh nhĩ khi tham gia tuyển phi công.
Ngoài cơn tim nhanh nhĩ thì còn có nhiều dạng rối loạn nhịp tim khác nhau như: cơn tim nhanh kịch phát, rung nhĩ, nhịp nhanh thất, rung thất, block nhĩ thất, suy nút xoang, ngoại tâm thu... Rối loạn nhịp tim là nguyên nhân của 80% trường hợp đột tử nếu không phát hiện sớm, theo dõi sát sao và điều trị kịp thời.
Thanh Ba
Vào 20h, hôm nay (21/2), Hệ thống BVĐK Tâm Anh tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến "Kiểm soát hiệu quả rối loạn nhịp tim" với sự tham gia của TTND.PGS.TS.BS Bạch Yến và TTƯT.TS.BSCC Trần Văn Đồng, khoa Tim mạch, BVĐK Tâm Anh Hà Nội nhằm giải đáp thắc mắc của độc giả về phương pháp hiện đại trong chẩn đoán và điều trị hiệu quả rối loạn nhịp tim. Chương trình được tiếp sóng trên Fanpage Báo điện tử VnExpress. Độc giả gửi câu hỏi tại đây để được chuyên gia tư vấn. |