Anh Nguyễn Hoài (47 tuổi, Bắc Ninh) tới bệnh viện khám khi các búi giãn tĩnh mạch giãn lớn, đau đớn, khó chịu. Chân có những đám biến đổi màu sắc da, nguy cơ loét. Trước đó, anh biết mình mắc suy giãn tĩnh mạch chân nhưng công việc bán hàng ở siêu thị bận rộn nên ngại đi khám.
ThS.BS.CKII Nguyễn Thu Trang, khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết trường hợp của anh Hoài ở giai đoạn 4 của bệnh lý tĩnh mạch. Anh được điều trị bằng phương pháp laser nội mạch. Đây là một trong những phương pháp điều trị triệt để bệnh lý tĩnh mạch chi dưới với chi phí hợp lý, thời gian thực hiện thủ thuật ngắn (chỉ khoảng 60 phút), người bệnh có thể ra viện ngay trong ngày.
Nếu anh Hoài khám và điều trị muộn, bệnh sẽ cải thiện chậm. Bên cạnh đó, người bệnh còn có nguy cơ loét chân do loạn dưỡng hoặc hình thành huyết khối trong búi giãn. Các huyết khối này có thể di chuyển vào tĩnh mạch sâu gây tắc mạch hệ thống hoặc thuyên tắc phổi. Việc điều trị vết loét do bệnh tĩnh mạch có thể phải kéo dài cả năm.

ThS.BS.CKII Nguyễn Thu Trang (bên phải) đang tiến hành thủ thuật Laser nội mạch điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Hiện nay, bên cạnh can thiệp điều trị bằng laser nội mạch thì sóng cao tần (RFA) hoặc keo sinh học là phương pháp điều trị triệt để vì loại bỏ hoàn toàn tĩnh mạch bị bệnh. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tối ưu và tránh tái phát người bệnh cần thay đổi lối sống, tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ sau điều trị.
Bác sĩ Thu Trang khuyến cáo việc duy trì một chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng, vận động lành mạnh rất cần thiết. Khi có triệu chứng bất thường như cảm giác nặng chân, nhức mỏi, phù chân, tê dị cảm, kiến bò, chuột rút về ban đêm... cần đi khám sớm.
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là tình trạng máu ở hệ thống tĩnh mạch bị ứ lại ở chân, không đi lên tĩnh mạch chủ để trở về tim như bình thường. Tình trạng này khiến tĩnh mạch giãn ra. Bệnh có 6 mức độ từ C1 - C6. Nếu không được điều trị tích cực và phòng ngừa từ sớm, suy giãn tĩnh mạch chi dưới mức độ nhẹ có thể diễn tiến đến cấp độ C5, C6.

Hình ảnh trước và sau khi điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới của người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Trên thế giới, bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới chiếm một tỷ lệ đáng kể trên số dân, trong đó 70% là nữ. Nữ giới có tỷ lệ mắc cao hơn nam giới do ảnh hưởng của nội tiết tố, thai kỳ, đứng lâu do đặc thù nghề như bán hàng, thợ dệt, may, chế biến thủy, hải sản, giáo viên...
Thanh Ba
20h ngày 14/3, chương trình tư vấn trực tuyến "Tầm soát phát hiện sớm và điều trị hiệu quả suy giãn tĩnh mạch" sẽ diễn ra nhằm giải đáp những vấn đề liên quan đến bệnh lý suy giãn tĩnh mạch chân. Chương trình do Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức, tiếp sóng trên fanpage báo điện tử VnExpress với sự tham dự của đội ngũ chuyên gia khoa Tim mạch. Độc giả gửi câu hỏi tại đây.