Trả lời:
Thừa cân, béo phì ở tuổi dậy thì, nhất là ở mức độ nặng như con bạn có thể ảnh hưởng xấu đến tâm lý. Trong độ tuổi nhạy cảm này, trẻ dễ bị bạn bè trêu chọc, bắt nạt. Khi tình trạng kéo dài, trẻ thường có xu hướng thu mình, mất tự tin, ngại tiếp xúc và dần rút khỏi các hoạt động tập thể hoặc các mối quan hệ xã hội.
Cảm xúc tiêu cực lặp lại có thể dẫn đến rối loạn tâm lý nặng hơn như lo âu, trầm cảm hoặc rối loạn ăn uống. Một số trẻ tìm đến món ăn như một cách để đối phó với căng thẳng, gọi là emotional eating, tức ăn vì cảm xúc chứ không vì đói. Trẻ không chỉ tăng cân liên tục mà còn có thể rơi vào vòng xoắn: càng buồn càng ăn, càng ăn càng tăng cân, càng tăng cân lại tự ti và buồn bã nhiều hơn.
Về lâu dài, nếu không được hỗ trợ đúng cách, tổn thương tâm lý có thể ảnh hưởng đến kết quả học tập, khả năng thích nghi xã hội và cả chất lượng cuộc sống của trẻ khi trưởng thành.

Bác sĩ Dương tư vấn cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Bạn không nên cố ép trẻ giảm cân, thay vào đó nên đồng hành cùng con về mặt cảm xúc, hiểu con đang trải qua điều gì, tránh chỉ trích hay gây áp lực. Bởi giảm cân ở trẻ vị thành niên là hành trình dài, cần phụ huynh động viên để trẻ tránh nản lòng. Một trong những sai lầm thường gặp của cha mẹ là đặt kỳ vọng quá cao vào kết quả nhanh chóng hoặc biến việc giảm cân thành một cuộc "đối đầu căng thẳng". Điều này khiến trẻ mệt mỏi, áp lực, dễ dẫn đến phản ứng tiêu cực hoặc chống đối ngầm.
Thay vì tạo áp lực, cha mẹ nên cùng con xây dựng môi trường sống tích cực và lành mạnh. Ví dụ, thay vì nói "con phải ăn ít đi", bạn nên cùng con lên thực đơn dinh dưỡng và tập thể dục mỗi ngày. Bạn giúp con đặt ra những mục tiêu cụ thể, khả thi như giảm 1-2 kg trong một tháng, từ đó cỗ vũ bé kiên trì thực hiện.
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Dương
Khoa Nội tổng hợp
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |