VNExpress

NHI - SƠ SINH VnExpress Sức khỏe Hợp tác cùng các chuyên gia đầu ngành

5 món ăn tốt và không tốt cho trẻ tăng động giảm chú ý

Trẻ tăng động giảm chú ý nên ăn ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, caffeine để bớt các rối loạn hành vi.

Tăng động giảm chú ý là rối loạn phát triển thần kinh thường gặp ở trẻ em. Cha mẹ nên cho trẻ ăn uống cân bằng, lành mạnh để hỗ trợ điều chỉnh hành vi và sự tăng trưởng, phát triển thích hợp. Một số thực phẩm có thể lợi, song cũng có loại không tốt.

Thực phẩm giàu carbohydrate (carb) phức hợp: Trẻ tăng động giảm chú ý có thể thiếu serotonin (chất dẫn truyền thần kinh). Ăn các món chứa carbohydrate phức hợp điều độ có thể làm tăng mức serotonin.

Cơ thể tiêu hóa chậm carb phức hợp, giúp điều chỉnh cơn đói, thèm ăn và chuyển hóa năng lượng. Ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, rau quả chứa tinh bột cung cấp carb phức hợp lành mạnh.

Chất béo lành mạnh: Trẻ em 4-14 tuổi cần được cung cấp chất béo, chiếm khoảng 25-35% tổng năng lượng hàng ngày. Trong đó, chất béo bão hòa chiếm ít hơn 10% và phần còn lại đến từ loại không bão hòa.

Chất béo cần thiết cho nhiều chức năng, bao gồm hỗ trợ hấp thu vitamin A, D, E và K. Bổ sung axit béo omega-3 (cá ngừ, cá hồi, các loại hạt óc chó, quả bơ, hạt chia và hạt lanh) hỗ trợ giảm các triệu chứng tăng động.

Protein nạc: Protein giúp điều chỉnh nhiều chức năng trong cơ thể, từ tái tạo tế bào đến sản xuất enzyme. Chúng hỗ trợ phát triển cơ bắp, có lợi cho mọi trẻ em. Trẻ 4-14 tuổi cần 19-46 g protein mỗi ngày. Nguồn protein lành mạnh gồm các loại đậu, thịt nạc.

Thực phẩm chế biến và đóng gói sẵn: Thường chứa chất tạo màu cùng các chất phụ gia có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng tăng động giảm chú ý. Không chỉ trẻ mắc chứng rối loạn hành vi này mà tất cả trẻ đều nên hạn chế tiêu thụ thực phẩm có chứa phẩm màu ở mức tối thiểu.

Caffeine: Đây là chất kích thích có thể ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh trung ương và tim khi tiêu thụ với lượng lớn. Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP) khuyến cáo không nên sử dụng đồ uống có chứa caffeine như nước ngọt, cà phê, trà cho trẻ dưới 5 tuổi.

Tiêu thụ quá nhiều caffeine còn có thể gây ra tác dụng phụ như ức chế sự thèm ăn, mất ngủ, có thể làm triệu chứng tăng động nặng hơn.

Bảo Bảo (Theo Momjunction)
Ảnh: Freepik

ĐĂNG KÝ KHÁM TẠI BVĐK TÂM ANH

Vui lòng điền đầy đủ thông tin để chúng tôi có thể hỗ trợ bạn