Người tiểu đường bị ốm dễ tăng lượng đường trong máu. Bởi viêm nhiễm kích thích cơ thể giải phóng hormone epinephrine. Một trong những chức năng của epinephrine là cung cấp năng lượng bổ sung cho cơ thể dưới dạng glucose (đường). Nếu hormone này tăng quá nhiều dễ làm tăng lượng đường trong máu đồng thời tăng nhu cầu insulin để cơ thể hấp thụ và sử dụng đường tốt hơn.
Trong thời gian mắc bệnh, tuyến tụy thường gặp khó khăn khi sản xuất đủ insulin để đáp ứng nhu cầu. Lúc này, cơ thể chuyển sang sử dụng chất béo làm nhiên liệu. Quá trình chuyển hóa chất béo kích thích giải phóng ketone, làm tăng nguy cơ nhiễm toan ceton do tiểu đường. Triệu chứng gồm khát nước hoặc khô miệng, đi tiểu thường xuyên, lượng đường trong máu cao, mệt mỏi, đau bụng, da khô, khó thở.
Để giảm nguy cơ biến chứng khi ốm như cảm lạnh, cảm cúm, nhiễm virus, người bệnh tiểu đường nên nghỉ ngơi hợp lý và lưu ý những điều dưới đây.
Uống thuốc đều đặn: Nếu đang dùng insulin hay các thuốc điều trị tiểu đường khác, người bệnh nên duy trì liều lượng bình thường. Tự ý dùng thuốc có thể khiến lượng đường trong máu khó kiểm soát hơn. Khi đi khám và mua thuốc cảm lạnh, cảm cúm, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn cách kết hợp hiệu quả.
Ăn uống khoa học: Chế độ ăn trong thời gian này cần đảm bảo hai mục đích là hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu và bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng nhằm nâng cao sức đề kháng, mau khỏi ốm. Người bệnh cố gắng ăn uống như bình thường, nếu gặp khó khăn khi ăn các món cứng nên ưu tiên chế biến loãng, mềm.
Nên tập trung vào các món ăn nhẹ giàu carbohydrate để no lâu, tránh hạ đường huyết do đói. Thực phẩm tốt cho người bị tiểu đường bị ốm gồm nước dùng hoặc nước luộc thịt, bánh mì nướng khô, ngũ cốc nấu ăn liền, bánh pudding, sữa, nước ngọt thông thường, bánh quy mặn, trái cây. Ăn nhiều trứng và thịt nạc, đồng thời tránh chất béo bão hòa, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, thực phẩm nhiều dầu mỡ.
Kiểm tra lượng đường trong máu: Người bệnh nên kiểm tra ít nhất 4 lần mỗi ngày thay vì kiểm tra hai lần như ngày bình thường. Bởi đường huyết biến động thất thường khi ốm, người bệnh phát hiện các thay đổi đường giúp điều chỉnh kịp thời, ngăn biến chứng.
Uống nhiều nước: Bù nước cho cơ thể, tránh mất nước làm ảnh hưởng đến đường huyết. Người bệnh nên uống khoảng hai lít nước một ngày, bao gồm cả nước lọc, nước ép, canh hoặc súp... từng ngụm nhỏ sau mỗi 15 phút để duy trì lượng chất lỏng trong cơ thể. Hạn chế đồ uống có gas, đồ nước thể thao hay nước ép đóng chai, cà phê, rượu...
Người bệnh tiểu đường bị ốm nên đi khám nếu xuất hiện các dấu hiệu như đường huyết hơn 240 mg/dL hoặc dưới 54 mg/dL, tiêu chảy hơn 6 giờ, sương mù não kèm theo mệt mỏi nghiêm trọng, sốt trên 40 độ, khó thở, hơi thở có mùi trái cây.
Anh Chi (Theo Very Well Health)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp |