Trả lời:
Khi bạn ăn thực phẩm cay, khoang miệng - mũi - họng và hệ tiêu hóa sẽ tiếp xúc với chất allyl-isothiocyanate trong mù tạt, piperine trong tiêu hay capsaicin của ớt. Các chất này liên kết với thụ thể TRPA1 hoặc TRPV1 trong lớp niêm mạc, tạo ra xung điện kích thích dẫn truyền đến não giúp cơ thể cảm nhận vị cay.
Não tiếp nhận và xem những kích thích trên như những tín hiệu nguy hiểm nên kích hoạt hàng loạt các phản ứng thần kinh để bảo vệ vùng niêm mạc đang tiếp xúc với "chất lạ". Cụ thể là kích hoạt thần kinh đối giao cảm vùng mũi, giải phóng acetylcholine tác động lên ống lệ mũi làm tăng tiết chất nhầy mũi. Các chất thần kinh trung gian khác có tác dụng giãn mạch máu ở khoang mũi dẫn đến tăng lượng máu cung cấp, tăng tính thấm thành mạch làm thoát dịch tạo ra nước mũi. Lúc này, nước mũi có nhiệm vụ làm dịu niêm mạc và loãng nồng độ các chất tạo ra vị cay.

Bác sĩ Minh nội soi mũi cho một người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Bạn không nên lo lắng khi bị chảy nước mũi do ăn cay. Bởi đây là phản ứng thường gặp, phản xạ bình thường của cơ thể, không phải bệnh lý. Trường hợp chảy mũi khi ăn cay cần được đi khám nếu kèm theo các triệu chứng như nghẹt mũi kéo dài không giảm, ngứa, mề đay, ban đỏ, phù nề da niêm, khó thở, nôn ói, đau đầu dữ dội....
Ăn cay có thể đem đến một số lợi ích như giảm cholesterol xấu, thông mũi tạm thời, bổ sung chất chống oxy hóa. Song lạm dụng có thể làm tăng triệu chứng trào ngược dạ dày, thực quản, viêm loét dạ dày, nóng rát khi đi đại tiện... Một số người quan niệm ăn cay giúp làm sạch xoang bằng cách gây chảy nước mũi hoặc hắt hơi. Tuy nhiên, tác dụng này thường kéo dài trong thời gian ngắn và không giải quyết được nguyên nhân cơ bản gây tắc nghẽn xoang.
Mỗi người đều có ngưỡng đáp ứng với vị cay khác nhau, nếu có phản ứng tiêu cực hay khó chịu quá mức nào, bạn nên giảm hoặc ngưng ăn cay.
ThS.BS.Huỳnh Hoàng Minh
Trung tâm Tai Mũi Họng
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM