Trả lời:
Các thành phần trong một quả chanh bao gồm nước cốt, cùi hay vỏ đều có lợi cho sức khỏe nếu sử dụng đúng cách. Với người bắt đầu uống nước chanh, dùng 1/4-1/2 quả, pha loãng với 250-300 ml nước ấm (khoảng 40°C), có thể thêm vài hạt muối thô (muối biển chưa tinh sấy, muối hồng), mật ong nguyên chất hoặc gừng lát mỏng tùy cơ địa. Uống sau khi đánh răng, sau 1-2 ngụm nước lọc để giảm kích ứng dạ dày. Không nên uống quá đặc, không thêm đường tinh luyện. Với người có dạ dày yếu, nên uống sau khi ăn nhẹ hoặc đổi sang nước gừng ấm.
Bạn có thể uống nước chanh ấm sau bữa ăn 30 phút, giúp hỗ trợ tiêu hóa, giảm đầy bụng. Khi mất nước hoặc mệt mỏi, pha cùng mật ong và muối, giống như nước điện giải tự nhiên. Ngoài ra, có thể uống trước ăn nhẹ nhàng (15 phút) để kích thích tiết dịch vị, hoặc khi ho hay đau họng, dùng hỗn hợp chanh, gừng, mật ong để làm dịu cổ họng.
Để tận hưởng tối ưu một quả chanh, bạn uống nước cốt pha loãng, ăn cả bã để tận dụng pectin (chống táo bón), cùi trắng dùng làm mứt hoặc ngâm mật ong do chứa nhiều flavonoid tốt cho mạch máu, tăng cường vitamin C. Tận dụng vỏ chanh thái nhỏ làm trà vỏ chanh, phơi khô để sát khuẩn miệng - họng, hoặc pha nước chanh nóng, cho ít vỏ vào để hít hà tinh dầu, hoặc làm sạch mùi tủ lạnh, đuổi côn trùng, xông phòng.
Chanh không có tác dụng đốt mỡ, nhưng acid citric và vitamin C có thể hỗ trợ trao đổi chất nhẹ, giúp giảm hấp thu một phần chất béo, đường, nếu kết hợp ăn uống khoa học, uống nước chanh ấm có thể giúp hỗ trợ giảm cân gián tiếp nhờ tạo cảm giác tỉnh táo, giảm thèm ăn nhẹ.
Bác sĩ Phan Thái Tân
Huấn luyện viên dinh dưỡng giảm cân Homefit