Trả lời
U bã đậu (nang biểu bì) là nốt phồng hình bầu dục, kích thước như hạt đậu, hạt gạo, phát triển chậm, bắt nguồn từ lớp ngoài cùng của da (lớp biểu bì), có màng bao bọc. Bên trong lớp màng chứa chất nhờn đặc mềm, trắng đục, có cặn như chất bã, mùi hôi. U bã đậu thường lành tính và không phải ung thư.
Loại u này có thể xuất hiện ở bất cứ nơi nào trên cơ thể như đầu, cổ, tai, lưng, tay, chân... U bã đậu xảy ra do tuyến nhờn bên trong da bị tắc nghẽn, dẫn đến ứ đọng bã nhờn ở nang lông, lâu dần hình thành các khối u dưới da.

Bác sĩ Vinh khám cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Một số u bã đậu có thể tự khỏi mà không cần điều trị nhưng có xu hướng tái phát nhiều lần trong đời. U bã đậu có thể phát triển nhanh, kích thước lớn, chèn ép lên mạch máu, hệ thần kinh, cần được điều trị nhanh chóng. U mọc ở mặt, cổ, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, khiến người bệnh tự ti. Trường hợp u xuất hiện ở lưng, mông dễ ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh. Hầu hết u bã đậu không đau, trừ trường hợp xuất hiện ở vùng nếp gấp ngực, tay, có nguy cơ vỡ, nhiễm trùng.
Nếu u bã đậu có kích thước nhỏ, không tiềm ẩn bất kỳ nguy cơ rủi ro nào với sức khỏe thì bạn không cần phẫu thuật nhưng nên theo dõi, khám ngay khi u gây đau nhiều, lớn nhanh. Khi u bã đậu có kích thước lớn, bên trong căng đầy dịch nhờn, người bệnh cần phẫu thuật để lấy trọn u, tránh làm vỡ.
Trường hợp u bã đậu vỡ tạo thành vết thương hở trên da, gây nhiễm trùng, bội nhiễm. Lúc này, điều trị mất nhiều thời gian, cần đến bác sĩ để vệ sinh, làm sạch ổ vi khuẩn.
U bã đậu lành tính nhưng phát triển dưới da khiến người bệnh có thể nhầm lẫn với nhiều tình trạng sức khỏe nguy hiểm khác, trong đó có ung thư. Bạn nên đi khám để bác sĩ kiểm tra, xác định loại và tính chất u, từ đó có chỉ định theo dõi, điều trị phù hợp.
BS.CKI Lê Ngọc Vinh
Đơn vị Ngoại Vú - Đầu Mặt Cổ
Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |