Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng - bác sĩ Trưởng Nutrihome Lê Đại Hành, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, cho biết, đối với những trẻ tiêm ngừa vaccine nói chung, vaccine Covid-19 nói riêng, mục tiêu của dinh dưỡng đúng là nhằm giúp trẻ chuẩn bị tốt nhất về sức khỏe, sức đề kháng, duy trì miễn dịch. Đồng thời góp phần hạn chế thấp nhất các phản ứng sau tiêm như sốt, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, mệt mỏi, tiêu chảy...
Chế độ dinh dưỡng trước tiêm
Phụ huynh cần chuẩn bị cho trẻ một chế độ dinh dưỡng hợp lý, theo dõi sức khỏe của trẻ tốt nhất trước tiêm vài ngày. Theo bác sĩ Duy Tùng, không có loại thực phẩm nào có thể giúp vaccine hoạt động tốt hơn. Tuy vậy, đối với trẻ nhỏ, để bé có sức khỏe tốt nhất trước tiêm, cha mẹ cần lưu ý khẩu phần ăn cho trẻ đầy đủ, đa dạng, nên cho trẻ ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, chất béo lành mạnh và protein nạc... Những loại rau có màu xanh đậm chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao, giúp kháng viêm hiệu quả. Một số loại rau được khuyến nghị nên dùng như: bông cải xanh, cải bó xôi, cải xoăn, rau ngót, rau muống...
Đường ruột đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tổng thể, trong đó có duy trì phản ứng miễn dịch của cơ thể. Vì vậy, một trong những lưu ý quan trọng giúp trẻ khỏe mạnh trước khi tiêm là nuôi dưỡng đường ruột khỏe mạnh. Đối với trẻ nhỏ, trước buổi tiêm, phụ huynh nên cho ăn những thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như súp rau củ, súp khoai tây, cháo đậu xanh... Canh hoặc súp được phối hợp từ các loại rau củ giàu chất xơ, các gia vị kháng viêm là nhóm thực phẩm đặc biệt có lợi cho đường ruột của bé.
Phụ huynh có thể cho trẻ uống viên sủi đa vitamin hoặc vitamin C (sau ăn, hàm lượng dành cho trẻ) trước khi đi tiêm. Điều quan trọng là trẻ cần được uống đủ nước cơ thể cần (khoảng 1,5-2 lít nước mỗi ngày, kể cả nước trong canh, súp...). Cung cấp đủ nước cho cơ thể trẻ vào ngày tiêm sẽ giúp trẻ dễ chịu, thoải mái, chống lại mệt mỏi và đau nhức cơ vốn là những phản ứng thường gặp khi tiêm chủng.

Bác sĩ khám và tư vấn dinh dưỡng cho trẻ tại Nutrihome. Ảnh: Nutrihome
Trước buổi tiêm, phụ huynh không nên cho trẻ ăn quá no, chỉ ăn nhẹ nhưng tuyệt đối không để bụng đói vì có thể gây hoa mắt, chóng mặt, nhất là với những trẻ sợ tiêm. Không nên cho trẻ dùng các loại nước tăng lực, nước có gas, trà... Các loại thực phẩm này có thể gây ra cảm giác đau đầu, hồi hộp, tim đập nhanh, lo lắng, bồn chồn, khó chịu cho dạ dày hay buồn nôn ảnh hưởng đến quá trình tiêm phòng của trẻ. Ngoài ra, không nên cho bé ăn các loại chất béo bão hòa. Thức ăn nhanh, đồ chiên, nướng, chứa nhiều chất béo bão hòa làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể, gây hại sức khỏe.
Chế độ dinh dưỡng sau tiêm
Bác sĩ Duy Tùng cho biết, đối với sau tiêm, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng giúp trẻ tăng cường miễn dịch, tăng sức đề kháng, giảm sốt, giảm mệt mỏi. Do đó, phụ huynh nên ưu tiên cho trẻ ăn các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, mát, có tác dụng kháng viêm.
Sau khi trẻ tiêm về, phụ huynh có thể cho trẻ uống các loại nước mát, vừa thơm ngon bổ dưỡng như: nước mía, nước ép rau má đậu xanh, nước ép trái cây, sinh tố... giúp trẻ giải nhiệt cho cơ thể, hỗ trợ vaccine hoạt động tốt hơn.
Kế đến, ba mẹ có thể chế biến cho bé những món ăn có nhiều màu tự nhiên bắt mắt, đa dạng dưỡng chất như bò xào lúc lắc với dầu oliu, ớt chuông, cà rốt, bông cải. Những món súp tôm, cua, súp gà tạo cho trẻ cảm giác thoải mái dễ nhai, dễ nuốt. Đồng thời, người lớn chuẩn bị những món ăn tráng miệng hằng ngày trẻ yêu thích như: xoài, dưa hấu, dưa lưới, nho, việt quất, sữa chua (dạng ăn hoặc uống).
Với các loại thực phẩm có tác dụng chống viêm, giúp trẻ giảm bớt các triệu chứng sau tiêm, phụ huynh có thể cho con ăn các món súp như súp gà và thực phẩm giàu chất oxy hóa: rau xanh, hoa quả, thực phẩm được chế biến với nghệ, tỏi (là các gia vị có đặc tính chống viêm).
Phụ huynh cần phối hợp nhiều loại thực phẩm và thường xuyên thay đổi khẩu vị cho bé. Khẩu phần ăn hàng ngày nên phối hợp cân đối giữa nguồn chất đạm từ động vật và thực vật như thịt cá, trứng sữa, tôm cua, sò, ngao, hàu... chứa nhiều enzym chuyển hóa chất dinh dưỡng trong cơ thể. Chất béo Omega-3,6,9 trong cá và các loại hạt vừng, lạc... giúp trẻ tăng cường khả năng miễn dịch.
Vitamin và chất khoáng có vai trò rất quan trọng, nếu thiếu, trẻ sẽ bị giảm sức đề kháng, hệ miễn dịch gây ra tình trạng mệt mỏi sau khi tiêm. Các vitamin cần có trong bữa ăn hàng ngày của bé bao gồm vitamin A, vitamin C, vitamin D, vitamin E và các chất khoáng như sắt, kẽm, kali,... Vitamin và khoáng chất có nhiều trong thực phẩm, đặc biệt trong súp tôm, cua, hải sản, rau củ có màu đậm hầm xương (củ rền, cà rốt, su su, khoai tây), trong các loại quả như gấc, đu đủ, xoài... và các loại rau ăn hàng ngày: rau ngót, rau dền, rau đay, rau mồng tơi, cải chân vịt, rau muống, rau khoai lang...
Sau tiêm trẻ cũng cần uống đủ nước hàng ngày, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Đồng thời, cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng chống lại mọi mệt mỏi cũng như những triệu chứng sốt, đau nhức sau tiêm. Ngoài ra, trẻ cũng cần được ngủ nghỉ hợp lý để giữ trạng thái ổn định cao nhất cho cơ thể.
Trước và sau tiêm vaccine Covid-19 trẻ đều cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Phụ huynh không nên chiều theo ý thích của trẻ, cho trẻ ăn tùy thích vì trẻ chưa đủ nhận thức, có lựa chọn đúng. Những thực phẩm nhiều chất béo bão hòa, khó tiêu, thức ăn nhanh, thức ăn chiên, rán, nướng nhiều dầu mỡ như gà rán, sườn nướng, xúc xích, lạp xưởng, khoai tây chiên... làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể, gây hại cho sức khỏe.
Bình An