Gần đây có nhiều bài viết bàn về câu chuyện phân chia tài sản thừa kế. Có người ủng hộ chia đều cho các con, không phân biệt trai gái, nhưng cũng có không ít ý kiến phản biện, chọn cho một đứa phần nhiều. Cá nhân tôi cho rằng, không phải tự nhiên mà pháp luật lại quy định ưu tiên tuyệt đối quyền tự quyết của người sở hữu tài sản. Việc cho ai, cho bao nhiêu, cho thế nào hoàn toàn là quyền của họ, không có công thức nào là đúng nhất.
Thế nên cha mẹ có tài sản, có quyền chia theo ý cá nhân mà họ cho là công bằng. Chúng ta không thể bảo cách này mới là tân tiến, là văn minh, còn cách của người khác là lạc hậu. Hãy nhìn sang các nước phát triển, họ cũng chia thừa kế y như thế, có thể cho đều các con, cũng có thể cho một người trong số nhiều người, hoặc cũng có thể đem cho người quen, đem từ thiện dù họ vẫn có hàng thừa kế thứ nhất.
>> Không có chuyện con ở cùng tôi được thừa kế toàn bộ tài sản
Ví dụ, bố mẹ đẻ tôi khi mất không có di chúc, để lại mảnh đất ở quê giá trị tầm 5 tỷ đồng cho bốn chị em tôi. Ba chị tôi ở quê, làm nông dân, cuộc sống cũng bình thường, nhưng vẫn từ chối nhận thừa kế, nói muốn sang tên cho tôi vì là con trai, tiện việc thờ cúng tổ tiên. Còn tôi vốn sống ở Hà Nội, chưa chắc sau này có về quê ở hay không? Thế nên, tôi quyết định làm thủ tục sang tên thành đất thờ tự, để sau này các con cháu nội, ngoại bất kỳ muốn về quê sẽ có chỗ ở, nhưng không ai được đem bán.
Tôi đi lên từ tay trắng nhưng mua được vài căn nhà Hà Nội, nên nói thật chẳng tơ hào gì tài sản của cha mẹ già ở quê cả. Tôi còn tiếc vì chưa biếu được các cụ nhiều là khác. Bản thân tôi có hai ăn nhà Hà Nội, dự định sau này cho hai dứa con. Còn mảnh đất thừa kế ở quê, tôi không coi đó là tài sản, mà xem là của hồi môn, chỉ giữ lại truyền đời chứ không bán hay cho đứa nào cả.
Tôi cũng quán triệt với vợ mình rằng: "Bố mẹ đã nuôi cho ăn học là đủ rồi, không được đòi hỏi gì thêm nữa". Tài sản thừa kế nhà ngoại, chúng tôi tuyệt nhiên không nhòm ngó. Mặc dù bố mẹ vợ tôi sống với anh trai vợ, nhưng mỗi khi hai cụ ốm đau, vợ chồng tôi lại là người chăm sóc chủ yếu. Nhiều khi vợ tôi cũng so bì, tị nạnh với vợ chồng anh trai, nhưng tôi khuyên rằng "đây là chăm sóc bố mẹ mình, nên đừng tính thiệt hơn gì cả".
Với gia đình tôi phương án đó có thể là hợp lý nhất. Nhưng tôi không xem đó là mẫu số chung để vận dụng cho gia đình khác vì ở hoàn cảnh của họ có khi lại nảy sinh bất cập. Thế nên, chia thế nào là tùy ở mỗi người, mỗi gia đình. Tôi chỉ cho rằng, dù bất cứ quyết định cuối cùng là gì thì con cái cũng nên tôn trọng lựa chọn của cha mẹ, không có đúng hay sai, và luôn hoan hỉ dù bạn nhận được ít hay nhiều phần thừa kế.
- Mẹ bảo tôi 'đừng trông đợi' vì toàn bộ thừa kế thuộc về em trai
- Em đi tù, anh đi viện vì 1.000 m2 đất thừa kế mẹ chia không đều
- Chia hết thừa kế cho con gái để hai con trai 'vùng vẫy tứ phương'
- Phận con út bị anh chị giành giật miếng đất từ đường
- Con trai làm loạn vì cha mẹ già không chia thừa kế sớm
- 'Cú lừa' thừa kế căn nhà của bố mẹ chồng