"Tư tưởng trọng nam khinh nữ theo kiểu bám đất đai tổ tiên để lại, hay chia hết thừa kế cho con trai đến nay đã thật sự hết thời. Giờ cứ tưởng tượng con cái không được cha mẹ khuyến khích lập nghiệp nơi khác, cứ bám víu vào mảnh đất đời trước để lại mà ăn miết thì chỉ có bất hòa gia đình.
Thực tế, con cái được tự do đi lập nghiệp nơi khác thường có kinh tế khấm khá hơn hẳn nhưng người ở lại. Và chính những đứa con đó sau này lại về giúp đỡ cho gia đình ruột thịt rất nhiều. Lắm lúc họ còn gánh luôn cả nhà anh em, con cháu.
Ngược lại, những đứa con hay bị bố mẹ gọi về để chăm sóc hương hỏa, bám đất đai sinh sống thì cuộc sống khó mà lột xác được. Cứ vậy, đất đai cứ bị chia nhỏ miết, thậm chí bán đất ăn dần, nên nghèo càng nghèo thêm, phát sinh mâu thuẫn chia thừa kế, anh em xung đột.
Ông nội tôi cũng là một trong những người dám phá lệ khi chia thừa kế. Thay vì chia phần lớn tài sản cho hai người con trai (bố tôi và bác trai) như người khác, ông lại để hết lại đất đai cho con gái (cô tôi) tiếp quản, tiện thờ cúng gia tiên. Ông nói làm vậy để con trai có cơ hội 'vùng vẫy tứ phương', tự thân lập nghiệp bền vững, chứ không muốn nhốt con ở nhà.
>> Phận con út bị anh chị giành giật miếng đất từ đường
Tới đời cô tôi cũng học theo ông, để lại hết đất đai, nhà cửa cho con gái út làm người tiếp nối. Còn bảy đứa con trai của cô đều đi lập nghiệp tứ phương, giờ ai cũng rất khá giả và chí cũng mãn nguyện.
Ngược lại chín đứa con trai của bác cả tôi lại bám lại đất đai được ông nội chia cho. Theo năm tháng, giờ cuộc sống của các anh đều bình bình, trong khi anh em cứ liên tục bất hòa vì chuyện ai nuôi cha mẹ, ai hưởng thừa kế, góp tiền giỗ chạp...? Còn năm người con gái của bác không được thừa kế nên đều đi lập nghiệp xa, tới nay lại có của ăn của để, khấm khá hơn hẳn.
Nói vậy để thấy, việc chia tài sản thừa kế nên được đổi mới trong tư duy. Nhiều khi bạn nghĩ ưu tiên cho con trai để sau này nó lo hương khói, duy trì gia sản, nhưng cuối cùng lại thành hại cuộc đời con, khi cứ bị giam cầm ở nơi 'chôn nhau cắt rốn' để rồi chẳng ngóc đầu lên nổi".
Đó là quan điểm của độc giả Plutino xung quanh câu chuyện "trọng nam khinh nữ" trong phân chia thừa kế. Trong nghiên cứu Nam giới và nam tính trong xã hội Việt Nam hiện đại do Viện nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS) thực hiện, chỉ 1% nam giới cho rằng cha mẹ nên chia tài sản chỉ cho con gái hoặc chủ yếu cho con gái. Trong khi đó, 12-23% cho rằng chỉ nên chia chủ yếu chia cho con trai. Điều này chỉ ra rằng khi sinh ra là phụ nữ đã bất lợi về quyền sở hữu tài sản so với nam giới.
Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao về tình trạng tranh chấp thừa kế ở Việt Nam, từ khi Bộ luật dân sự 2015 có hiệu lực, số vụ đã tăng liên tục qua từng năm. Ví dụ, năm 2017 số vụ án được thụ lý tăng 26,7 % so với 2016, năm 2018 so với 2017 cũng tăng với tỷ lệ tương đương, năm 2019 so với năm 2018 cũng tăng đến 27%. Phần nhiều các vụ việc đều xuất phát từ việc phân chia tài sản thiếu công bằng giữa con trai và con gái.
- Bảy cây vàng thừa kế giúp bốn anh em tôi bung sức vào đời
- Suy nghĩ 'cần thừa kế sớm để vào đời' khiến anh tôi lụn bại
- Mẹ vợ khư khư giữ đất vì sợ con cái bất hiếu sau khi chia thừa kế
- Các con tôi từ chối nhận thừa kế sớm
- Tôi chẳng biết làm gì với căn nhà thừa kế nhận năm 60 tuổi
- Tôi không chia thừa kế sớm cho con vì sợ thành người ở ké, ăn bám