Bác sĩ Trần Huỳnh Tấn, Quản lý Y khoa, Hệ thống Tiêm chủng VNVC cho biết, khoang miệng là nơi chứa nhiều vi khuẩn, vi sinh vật gây bệnh. Chúng có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể qua vết xước nhỏ ở nướu, lưỡi hay niêm mạc miệng. Mặt khác, vết thương cũng dễ nhiễm khuẩn bởi các mầm bệnh từ môi trường bên ngoài.
Mọi người nên tránh những thói quen sau để ngừa bệnh truyền nhiễm từ khoang miệng:
Dùng tăm xỉa răng
Theo bác sĩ Tấn, dùng tăm xỉa răng là thói quen phổ biến nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Đầu tăm nhọn có thể làm trầy xước nướu, mòn men răng, gây tụt nướu và lộ chân răng. Nếu xỉa quá mạnh, tăm còn có thể làm lệch răng, tạo khe thưa giữa các răng. Trong quá trình xỉa răng, đầu tăm có thể đưa vi khuẩn từ môi trường bên ngoài hoặc từ tay xuống nướu, tăng nguy cơ viêm nhiễm, nhiễm trùng nếu tăm gãy và mắc kẹt giữa các kẽ răng.
Ngoài ra, nếu tăm không được bảo quản sạch sẽ, rơi xuống đất hoặc tái sử dụng... dễ nhiễm khuẩn. Trong đó, vi khuẩn Clostridium tetani, tác nhân gây uốn ván, có thể xâm nhập qua vết thương hở trong khoang miệng và gây bệnh. Người bệnh đau đầu, khó nuốt, cứng cơ cổ vai gáy, co cứng hàm. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển nhanh, gây co giật, rối loạn hô hấp, thậm chí tử vong.

Dụng cụ vệ sinh răng miệng tiềm ẩn nhiều mầm bệnh nếu không bảo quản đúng cách. Ảnh minh họa: Vecteezy
Dùng chung dụng cụ vệ sinh
Bàn chải, dao cạo lưỡi, ly súc miệng... nếu dùng chung có thể trở thành nguồn lây bệnh truyền nhiễm qua đường miệng.
Lý do, ở cả người khỏe mạnh, khoang miệng vẫn chứa nhiều vi khuẩn, virus và nấm. Khi dùng chung các dụng cụ vệ sinh cá nhân, vi sinh vật từ nước bọt hay máu có thể lây truyền từ người này sang người khác. Điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như viêm gan B, C, herpes, HIV...
Trong đó, viêm gan B được ví như "sát thủ thầm lặng" gây bệnh viêm gan B mạn tính, dễ tiến triển thành xơ gan, ung thư gan. Người bệnh viêm gan B có nguy cơ ung thư gan cao gấp 200 lần so với bình thường. Khoảng 15-20% trường hợp xơ gan do viêm gan B biến chứng thành ung thư gan.
Tự ý cạo vôi răng tại nhà
Vôi răng là phần mảng bám dính kết vào bề mặt răng và nướu, do đó nên được loại bỏ bằng thiết bị chuyên dụng, vô trùng tại phòng khám nha khoa. Tự ý cạo vôi răng tại nhà với dụng cụ không tiệt trùng, không đúng kỹ thuật dễ gây tổn thương nướu, chảy máu, để lại các vết thương hở. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, trong đó có bệnh uốn ván.
Không thay bàn chải định kỳ
Sau một thời gian sử dụng, lông bàn chải mòn, mất độ đàn hồi và khả năng làm sạch mảng bám kém. Nếu không thay mới, mảng bám và vi khuẩn sẽ tích tụ nhiều hơn, tăng nguy cơ sâu răng, viêm nướu, hôi miệng.
Ngoài ra, bàn chải cũ là nơi trú ngụ của nhiều vi khuẩn, vi sinh vật gây sâu răng, nấm miệng. Chúng có thể tồn tại trên lông bàn chải trong thời gian dài, khó rửa trôi, đặc biệt nếu không được rửa sạch và để khô thoáng sau mỗi lần sử dụng. Người dùng có nguy cơ tái nhiễm hoặc kéo dài tình trạng viêm nhiễm vùng khoang miệng.

Người trẻ tiêm vaccine phòng uốn ván tại Trung tâm tiêm chủng VNVC. Ảnh: Diệu Thuần
Phòng ngừa thế nào?
Bác sĩ Tấn khuyến cáo mọi người nên có các phương pháp chăm sóc răng miệng khoa học, bắt đầu từ việc thay tăm bằng chỉ nha khoa hoặc bàn chải kẽ để làm sạch kẽ răng an toàn, không làm tổn thương nướu. Không dùng chung các dụng cụ vệ sinh miệng, kể cả với người thân. Mọi người cần thay bàn chải mỗi ba tháng hoặc khi bàn chải có dấu hiệu tòe, xơ lông. Sau khi dùng, cần rửa và đặt bàn chải nơi khô thoáng, tránh ẩm ướt.
Với các bệnh truyền nhiễm, tiêm vaccine là cách phòng ngừa. Với viêm gan B, hiện Việt Nam có nhiều loại vaccine viêm gan B đơn và phối hợp phòng thêm viêm gan A trong một mũi tiêm dành cho trẻ em và người lớn. Trẻ em có thêm vaccine phối hợp 5 trong 1 và 6 trong 1 có thành phần phòng viêm gan B.
Với uốn ván, hiện Việt Nam có nhiều loại vaccine phòng uốn ván, gồm vaccine mũi đơn và vaccine mũi phối hợp như: 6 trong 1; 5 trong 1; 4 trong 1 phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt; 3 trong 1 phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván; 2 trong 1 phòng bạch hầu, uốn ván. Tùy vào độ tuổi và lịch sử tiêm chủng, bác sĩ sẽ tư vấn loại vaccine và liệu trình phù hợp. Vaccine cần tiêm nhắc 1 mũi sau 10 năm hoặc tiêm sớm hơn khi có vết thương. Khi đã tiêm dự phòng đầy đủ, nếu có vết thương, chỉ cần tiêm thêm một mũi vaccine và không cần dùng huyết thanh.
Bình Nguyên