An, ngụ Đồng Tháp, được chẩn đoán mắc vảy nến lúc 8 tuổi, dùng thuốc uống và bôi, áp dụng những mẹo dân gian để chữa. Ban đầu chỉ vài mảng da dày sần, ửng đỏ, bong tróc vảy ở lưng, tay, sau đó lan rộng, bong vảy trắng bạc gây ngứa, khiến An xấu hổ, mặc cảm.
Lần này An khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số PASI 18.6. PASI là thang điểm hỗn hợp đánh giá diện tích da và mức độ bị vảy nến. TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích, Trưởng chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, chẩn đoán An bị vảy nến thể mảng mức độ nặng. Bệnh nhi có dấu hiệu rõ rệt của rối loạn lo âu, trầm cảm như chán nản, mặc cảm, không chấp nhận được bệnh và muốn bỏ điều trị.

Bác sĩ Bích khám cho một người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
ThS.BS.CKI Trần Nguyễn Anh Thư cho biết vảy nến xuất hiện chủ yếu ở hai nhóm tuổi là 20-30 tuổi và 50-60 tuổi. Trẻ em, thậm chí là trẻ sơ sinh, vẫn có thể mắc bệnh. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM và Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 hiện điều trị cho gần 200 người bệnh vảy nến, gồm khoảng 70 trẻ em, thanh thiếu niên dưới 18 tuổi. Phần lớn trường hợp, nhất là người mắc bệnh mức độ trung bình và nặng, bị ảnh hưởng tâm lý, mặc cảm, buồn bã, thậm chí trầm cảm.
"Vảy nến không đơn thuần bệnh ngoài da, mà tạo gánh nặng tâm lý vô hình cho bệnh nhân", bác sĩ Thư nói, thêm rằng bé An là ví dụ điển hình cho nhóm trẻ mắc vảy nến thể nặng trở nên mặc cảm, thu mình, rối loạn cảm xúc, trầm cảm vì bệnh. Nhiều trẻ mắc bệnh trong độ tuổi dậy thì, vảy nến xuất hiện ở những vùng nhạy cảm nên thường ngại chia sẻ với cả cha mẹ. Trì hoãn điều trị hoặc áp dụng các phương pháp không đúng khoa học có thể khiến bệnh kéo dài, nặng thêm, trẻ phải đối mặt với tổn thương kép, cả thể chất lẫn tinh thần. Tình trạng này dễ dẫn đến trầm cảm, rối loạn lo âu, tạo thành vòng luẩn quẩn vảy nến - stress - bùng phát bệnh.
Sau khi xét nghiệm máu, sinh thiết da, bác sĩ Bích điều trị cho An bằng thuốc sinh học có hoạt chất secukinumab. Tại Việt Nam, thuốc sinh học đã được Bộ Y tế đưa vào phác đồ điều trị bệnh vảy nến, sử dụng cho trẻ từ 6 tuổi. Thuốc sinh học thường được chỉ định cho người bệnh vảy nến ở mức độ trung bình đến nặng, thất bại với các phương pháp điều trị khác hoặc bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống.

Vùng bắp chân của An trước (bên phải) và sau khi điều trị bằng thuốc sinh học hơn 3 tháng. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
An được tiêm thuốc sinh học theo phác đồ tấn công gồm 5 mũi, liệu trình một mũi mỗi tuần và hai mũi duy trì (một mũi mỗi tháng). Sau 3 tháng, người bệnh đáp ứng thuốc tốt, các triệu chứng lui dần sau mỗi lần tiêm. Hiện, các mảng vảy nến gần như biến mất hoàn toàn, chỉ còn một vệt tăng sắc tố nhẹ. Chỉ số PASI giảm còn 0.
Bác sĩ khuyến cáo người mắc vảy nến không nên giấu bệnh khiến triệu chứng kéo dài, lan rộng, ảnh hưởng đến cuộc sống. Bệnh nhân nên đến bệnh viện khám, điều trị sớm. Khi điều trị bằng thuốc sinh học, người bệnh cần làm các xét nghiệm để đánh giá khả năng đáp ứng thuốc. "Thuốc có thể giúp kiểm soát tốt vảy nến trong thời gian dài, làm giảm sang thương trên da, song không chữa dứt điểm bệnh và cần tiêm đều đặn, kéo dài", bác sĩ Ngọc Bích cho hay, khuyên người bệnh không nên tự sử dụng thuốc mà tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả, an toàn.
Hiện chưa có phương pháp phòng ngừa bệnh vảy nến. Để kiểm soát tốt vảy nến cần tăng cường sức đề kháng, hạn chế nhiễm trùng và chấn thương để bảo vệ hệ miễn dịch.
Đức Trí
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp |