Suy tim là tình trạng tim bị suy yếu do các tổn thương thực thể hay các rối loạn chức năng tim khiến cho tâm thất không có đủ khả năng tiếp nhận máu hoặc tống máu. Đây là một hội chứng lâm sàng phức tạp.
Triệu chứng
Các biểu hiện khi mắc bệnh có thể khác nhau ở mỗi người, có thể bắt đầu đột ngột hoặc phát triển dần dần trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng.
Các triệu chứng phổ biến nhất của suy tim là:
- Khó thở.
- Mệt mỏi.
- Sưng chân và mắt cá chân.
Các triệu chứng khác bao gồm:
- Ho dai dẳng có thể nặng hơn vào ban đêm; có khi ho ra máu hay bọt hồng
- Thở khò khè;
- Đầy hơi;
- Ăn mất ngon;
- Tăng cân hoặc sụt cân;
- Chóng mặt và ngất xỉu;
- Nhịp tim nhanh, loạn nhịp tim hoặc đánh trống ngực;
- Trầm cảm và lo lắng, mất ngủ.
Nguyên nhân
Một số nguyên nhân nền dẫn đến tình trạng này là:
- Bệnh lý mạch vành;
- Tăng huyết áp;
- Hẹp/hở van tim;
- Bệnh tim bẩm sinh có luồng thông trong tim;
- Bệnh cơ tim giãn không liên quan với thiếu máu cục bộ;
- Di truyền hoặc trong gia đình có người có tiền sử mắc bệnh;
- Rối loạn do thâm nhiễm;
- Tổn thương do thuốc hoặc nhiễm độc;
- Bệnh chuyển hóa;
- Do virus hoặc các tác nhân gây nhiễm trùng khác;
- Rối loạn nhịp.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán suy tim, bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử cẩn thận, hỏi về tiền sử gia đình, khám lâm sàng, kết hợp các phương pháp cận lâm sàng như:
- Điện tâm đồ ECG.
- X-quang tim phổi.
- Siêu âm tim qua thành ngực.
- Holter điện tâm đồ 24 giờ.
- Chụp động mạch vành.
- MSCT động mạch vành.
- MRI tim.
- Xét nghiệm máu tổng quát và NT- Pro BNP.
Điều trị
Suy tim là một bệnh mạn tính người bệnh cần được quản lý suốt đời. Bác sĩ sẽ sử dụng kết hợp các loại thuốc hoặc thiết bị hỗ trợ.
Thuốc điều trị: Thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn thụ thể angiotensin II, thuốc chẹn beta, thuốc lợi tiểu, thuốc đối kháng Aldosterone, thuốc tăng co bóp cơ tim:, digoxin.
Phẫu thuật:
- Máy khử rung tim tự động (ICD).
- Liệu pháp tái đồng bộ tim (CRT).
- Thiết bị hỗ trợ tâm thất (VADs).
- Ghép tim.
Phòng ngừa
Một số lời khuyên về lối sống cũng như chế độ sinh hoạt được các bác sĩ khuyến cáo như:
- Tập luyện thể dục: một số bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga... được khuyến khích đối với người mắc bệnh.
- Không làm việc hoặc hoạt động gắng sức.
- Đối với người bệnh suy tim có hút thuốc, uống rượu bia nên bỏ hoàn toàn thói quen đó.
- Tránh căng thẳng, duy trì một trạng thái tâm lý vui vẻ, thoải mái.
- Hạn chế các thực phẩm chứa nhiều mỡ hoặc chất béo.
- Duy trì cân nặng, nếu người bệnh bị thừa cân, béo phì cần giảm cân.
- Khám bệnh định kỳ, sử dụng thuốc theo phác đồ của bác sĩ.
Các bài viết của VnExpress có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.