Chứng hạ đường huyết (Hypoglycaemia) xảy ra khi mức đường trong máu giảm xuống thấp dưới 4 mmol/L và người bệnh nói không rõ, lên cơn co giật, hôn mê, tổn thương não...
Chứng hạ đường huyết còn được biết đến với tên gọi "hypo", đường huyết thấp hay phản ứng với insulin. Bệnh xảy ra phổ biến ở người tiêm insulin hay uống thuốc viên kiểm soát tiểu đường, do mức đường trong máu (đường huyết) giảm xuống quá thấp. Theo ước tính của Bộ Y tế, số lượng người bệnh đái tháo đường ở Việt Nam có thể tăng lên đến 6,3 triệu người vào năm 2045.
Nguyên nhân
Chứng hạ đường huyết Hypoglycaemia xảy ra có thể do một hay nhiều yếu tố tạo nên như: ăn trễ hoặc bỏ bữa, ăn không đủ carbohydrate (chất bột, đường), uống rượu, tập thể dục mạnh hơn bình thường, sử dụng quá nhiều insulin hay thuốc viên trị tiểu đường. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp không thể xác định được nguyên nhân cụ thể.
Triệu chứng
Tùy vào cơ địa mỗi người mà triệu chứng hạ đường huyết khác nhau nhưng nhìn chung người bệnh có những biểu hiện như: đói, yếu ớt, run rẩy, đổ mồ hôi, cảm giác muốn ngất, đau đầu, thiếu tập trung, thay đổi hành vi, chóng mặt, hay khóc, cáu gắt, tê quanh môi và ngón tay.
Khi thấy những dấu hiệu này, người bệnh nên đi xét nghiệm mức đường trong máu. Nếu không thể xét nghiệm, người bệnh có thể điều trị như bị hạ đường huyết. Nếu người bệnh đang lái xe mà thấy xuất hiện những triệu chứng này thì cần đậu xe ngay vào lề đường.
Điều trị
Nếu không nhanh chóng chặn đứng mức đường huyết đang tiếp tục hạ xuống thì người bệnh có thể bị mất khả năng phối hợp (giữa lời nói với hành động), nói không rõ, nói líu nhíu, cảm giác lẫn lộn, lên cơn co giật, bất tỉnh, tổn thương não.
Người bị hạ đường huyết có thể sử dụng các viên đường glucose tương đương 15 gram carbohydrate hoặc 6-7 viên kẹo jellybean hoặc nửa lon nước ngọt thường (không phải dạng nước ngọt dành cho người ăn kiêng). Người bệnh cũng có thể dùng 3 muỗng nhỏ đường hoặc mật ong hoặc nửa ly nước trái cây. Đặc biệt, với người bệnh đang sử dụng thuốc Glucobay (Acarbose), nếu bị hạ đường huyết phải điều trị bằng đường glucose.
Sau khi sử dụng bổ sung những thực phẩm này được khoảng 10-15 phút, mức đường huyết người bệnh có thể trở về bình thường. Với những trường hợp vẫn còn các triệu chứng này hay khi xét nghiệm mà mức đường huyết vẫn thấp hơn 4 mmol/L, người bệnh có thể thử sử dụng lại các thực phẩm trên một lần nữa.
Nếu chứng hạ đường huyết xảy ra khi còn hơn 20 phút nữa mới tới bữa ăn, người bệnh có thể ăn một trong những thực phẩm như: một lát bánh mì; một ly sữa hay sữa đậu nành; một miếng trái cây; 2-3 miếng trái mơ, quả sung khô hay các trái cây khô khác hoặc một hũ sữa chua tự nhiên, ít béo.
Nếu người bệnh bất tỉnh, thờ thẫn hay không nuốt được thì những người xung quanh không cho người bệnh dùng bất cứ thức ăn hay đồ uống nào qua đường miệng. Nếu không, thức ăn đồ uống dễ rơi vào đường thở khiến người bệnh dễ hít sặc, gây dị vật đường thở, có thể tử vong. Điều cần làm lúc này là hãy đặt người bệnh nằm nghiêng, để đường hô hấp thông suốt, gọi xe cấp cứu và cần nói rõ cấp cứu bệnh tiểu đường.
Phòng ngừa
Bệnh nhân tiểu đường nên có chế độ ăn uống lành mạnh, tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ sẽ khó xảy ra chứng hạ đường huyết. Bên cạnh uống thuốc hạ đường huyết hay tiêm insulin, người bệnh theo dõi đường huyết thường xuyên và đều đặn, tuân thủ lộ trình điều trị của bác sĩ, không được tự ý thay đổi liều lượng thuốc hay thêm thuốc mới mà không có sự đồng ý của bác sĩ.
Nên cân đối các thành phần trong chế độ ăn như gluxit (chất bột đường) 50-60%, protid (chất đạm) 15-20%, lipid (chất béo) 20-30% trong số lượng calo mỗi ngày. Mỗi bữa ăn có đầy đủ 4 nhóm chất (bột, đường, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất), không bỏ bữa sáng do ăn sáng giúp ổn định lượng đường huyết suốt cả ngày.
Nên thường xuyên bổ sung thực phẩm có màu xanh và đỏ tươi có chứa anthocyanins như: nho, dâu, quả mọng...; sử dụng các sản phẩm từ sữa góp phần làm giảm đáng kể nguy cơ kháng insulin. Vì các protein và enzyme trong sữa đã làm chậm sự chuyển hóa lượng đường trong thức ăn thành lượng đường trong máu. Uống sữa mỗi ngày có thể giảm được nguy cơ kháng insulin lên tới 20%. Cuối cùng tập thể dục tối thiểu 30 phút mỗi ngày, khoảng 5 ngày mỗi tuần, lưu ý kiểm tra đường huyết, huyết áp, tình trạng tim mạch trước khi tập cũng rất cần thiết.
Các bài viết của VnExpress có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.