Siêu âm tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho thấy lòng túi mật bệnh nhân có hai viên sỏi, trong đó một viên kích thước hơn 2 cm kèm bùn mật, cholesterol bám thành túi mật. Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Công Khánh, Trưởng khoa Gan - Mật - Tụy, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, cho biết sỏi kích thước lớn làm tắc nghẽn ống dẫn mật, chặn đường thoát của dịch mật, tăng áp lực trong túi mật là nguyên nhân khiến người bệnh đau bụng dữ dội.

Bác sĩ Khánh (trái) nội soi cắt túi mật cho anh Thành. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Bác sĩ chỉ định phẫu thuật nội soi cắt túi mật lấy sỏi, phòng biến chứng nguy hiểm. Bệnh nhân được kẹp đốt động mạch túi mật, cắt túi mật kèm hai viên sỏi màu vàng kích thước 0,8 cm và 2,5 cm. Hậu phẫu, anh Thành không còn đau bụng, có thể ăn uống đi lại bình thường, xuất viện sau hai ngày.
Sỏi túi mật là bệnh lý khá phổ biến, hình thành do sự mất cân bằng giữa các thành phần trong dịch mật, nhất là dư thừa cholesterol hoặc tích tụ bilirubin dẫn đến kết tủa và tạo thành sỏi. Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi mật như người có lối sống ít vận động, béo phì, chế độ ăn uống nhiều chất béo bão hòa nhưng ít chất xơ, giảm cân nhanh... Trường hợp anh Thành là sỏi cholesterol, hình thành do cholesterol dư thừa không được hòa tan hết, theo bác sĩ Khánh.

Anh Thành được bác sĩ khám, dặn dò trước khi ra viện. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Quá trình hình thành sỏi mật diễn ra âm thầm, thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hóa khác. Sỏi túi mật thường được phát hiện tình cờ qua siêu âm bụng khi đi khám sức khỏe định kỳ, siêu âm thai kỳ hoặc chẩn đoán hình ảnh khác (cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ...). Nếu sỏi túi mật chưa gây triệu chứng, người bệnh cần theo dõi, phẫu thuật cắt túi mật khi bác sĩ chỉ định. Sỏi có kích thước nhỏ 3-5 cm dễ rớt vào ống túi mật gây viêm túi mật, viêm đường mật, viêm tụy cấp.
Để giảm hình thành sỏi mật, bác sĩ Khánh khuyến cáo người bệnh cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, bổ sung nhiều chất xơ (rau xanh, trái cây và ngũ cốc), chất béo không bão hòa (dầu cá, dầu ôliu...). Hạn chế sử dụng các thực phẩm giàu chất béo bão hòa và các loại thức ăn nhanh, duy trì thói quen tập thể dục 30 phút mỗi ngày, không giảm cân cực đoan. Khám sức khỏe định kỳ tại chuyên khoa Gan - Mật - Tụy để bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh chính xác, điều trị phù hợp, ngăn biến chứng nguy hiểm.
Quyên Phan
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |