Các bệnh lý màng phổi có thể chia thành ba nhóm chính gồm viêm màng phổi, tràn khí màng phổi, tràn dịch màng phổi. Để chẩn đoán các bệnh liên quan đến màng phổi, bác sĩ Phạm Thị Lệ Quyên, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết cần áp dụng nhiều phương pháp.
Trước tiên, bác sĩ khám lâm sàng để biết bệnh sử và vấn đề liên quan của người bệnh. Sau đó, dựa trên tình trạng của từng người bệnh, bác sĩ chỉ định thực hiện xét nghiệm, chiếu chụp cận lâm sàng.
Chụp X-quang ngực giúp chẩn đoán và kiểm tra tình trạng như viêm phổi, suy tim, ung thư phổi, lao...
Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực xác định số lượng, tính chất dịch màng phổi, khối u, tổn thương liên quan khác trong lồng ngực như hạch trung thất (lồng ngực), dịch dư thừa xung quanh phổi.
Chụp MRI ngực có thể phát hiện khối u hoặc rối loạn màng phổi, vấn đề về mạch máu hoặc hạch bạch huyết bất thường.
Chọc hút dịch màng phổi và xét nghiệm dịch màng phổi nhằm xác định tính chất của dịch màng phổi là dịch thấm hay dịch tiết. Xét nghiệm tế bào học, xét nghiệm vi sinh... giúp định hướng chẩn đoán nguyên nhân tràn dịch màng phổi.
Sinh thiết màng phổi hoặc khối u màng phổi để tìm các nguyên nhân tràn dịch màng phổi do ung thư hoặc lao.

Bác sĩ nội soi cho người bệnh tràn dịch màng phổi. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Theo bác sĩ Quyên, mỗi bệnh lý màng phổi có nguyên nhân khác nhau nên cách điều trị không giống nhau. Thông thường các phương pháp điều trị bao gồm:
Điều trị nội khoa để giải quyết triệu chứng hoặc nguyên nhân gây bệnh. Bác sĩ điều trị kháng sinh và chọc hút hay bơm rửa màng phổi trong trường hợp bệnh màng phổi do nhiễm khuẩn. Người bệnh tuyệt đối không được tự dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ để tránh biến chứng và tình trạng kháng kháng sinh.
Dẫn lưu khí hoặc dịch bằng ống hoặc kim (chọc màng phổi) thường được chỉ định điều trị tràn khí hoặc tràn dịch, tràn mủ màng phổi, đồng thời phòng ngừa bệnh tái phát.
Bác sĩ can thiệp phẫu thuật cho người bệnh đã áp dụng biện pháp trên nhưng không hiệu quả hoặc có biến chứng nặng như mủ màng phổi dày, ung thư, tổn thương màng phổi do chấn thương.
Để phòng các bệnh lý màng phổi, bác sĩ Quyên khuyến cáo mọi người tránh nơi ô nhiễm không khí và giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Chế độ dinh dưỡng đầy đủ vitamin, khoáng chất giúp tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa bệnh do vi khuẩn gây ra. Khám sức khỏe định kỳ, không hút thuốc lá và thường xuyên tập thể dục là những thói quen tốt để bảo vệ sức khỏe. Trẻ nhỏ nên tiêm vaccine phòng viêm phổi và các bệnh hô hấp khác.
Minh Đức
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |