BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống Tiêm chủng VNVC, khuyến cáo như trên trong bối cảnh xuất hiện ca sởi nặng ở người lớn. Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, hôm 29/6 tiếp nhận hai bệnh nhân người lớn bị biến chứng sởi nặng, trong đó một người mắc biến chứng viêm cơ tim hiếm gặp.
Theo bác sĩ Chính, đây là những ca bệnh sởi trái mùa, do thông thường vào tháng 7 rất ít ghi nhận ca sởi. Các ca bệnh cũng cho thấy sởi có thể biến chứng, suy đa cơ quan trong thời gian ngắn.

Bệnh nhân 35 tuổi, ở Thái Bình biến chứng viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp, viêm cơ tim, suy tim cấp sau vài ngày mắc sởi, điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Nguyên Hà
Sởi khó phát hiện ở người lớn hơn so với trẻ em. Ở người lớn, triệu chứng sởi nhẹ hơn, không sốt cao và gây mệt mỏi như ở trẻ nhỏ, dễ nhầm với sốt siêu vi hoặc sốt phát ban thông thường. Thời gian ủ bệnh dài, sau khoảng 12-21 ngày, cơ thể phát ban, bệnh nhân mới biết mình mắc sởi. Việc này dẫn đến bệnh nhân không điều trị kịp thời, dễ gặp biến chứng. Họ còn có thể trở thành nguồn lây cho những người khác trong gia đình, cộng đồng, đặc biệt nhóm có hệ miễn dịch yếu như trẻ nhỏ, thai phụ, người già, có bệnh mạn tính.
Sởi có tốc độ lây nhiễm nhanh và mạnh hơn Covid-19. Người chưa tiêm vaccine có nguy cơ cao nhiễm bệnh khi tiếp xúc nguồn lây, ví dụ đi qua đầu giường của bệnh nhân sởi. Một người mắc sởi có thể lây cho khoảng 20 người.
Bệnh có thể biến chứng viêm phổi, viêm tai giữa, gây suy dinh dưỡng... Thai phụ nhiễm sởi có thể tăng nguy cơ sảy thai, sinh non, thai lưu. Tình trạng suy giảm miễn dịch kéo dài sau sởi tăng khả năng mắc các bệnh truyền nhiễm khác như ho gà, thủy đậu, cúm...
"Bài học từ dịch sởi tại TP HCM vào tháng 8 năm ngoái nhắc nhở mọi người cần cảnh giác với sởi dù không phải mùa của bệnh", bác sĩ nói.
Bác sĩ Chính khuyến cáo người lớn khám và tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ khi có dấu hiệu sốt, mệt mỏi, phát ban. Không tự mua thuốc hoặc trị bằng mẹo dân gian khiến bệnh trở nặng, gặp biến chứng.
Nếu điều trị tại nhà, bệnh nhân ăn uống đầy đủ dưỡng chất, tăng ăn rau xanh, trái cây nhiều vitamin C và bù đủ nước. Sốt từ 38,5 độ trở lên, bệnh nhân sử dụng hạ sốt thông thường, nhập viện ngay khi có dấu hiệu sốt, ho, phát ban, viêm kết mạc, viêm mũi họng...

Người lớn tiêm vaccine sởi - quai bị - rubella tại Hệ thống tiêm chủng VNVC. Ảnh: Diệu Thuần
Hiện nay, chiến lược phòng sởi ở trẻ em và người lớn nhấn mạnh vào tiêm chủng vaccine. Theo WHO, tỷ lệ tiêm chủng sởi cần đạt trên 95% để cắt đứt chuỗi lây nhiễm của virus sởi trong cộng đồng.
Việt Nam hiện có đầy đủ các loại sởi đơn, loại phối hợp phòng 3 bệnh sởi - quai bị - rubella tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến người lớn. Người lớn có thể chủng ngừa các loại như vaccine sởi đơn giá (MVVAC-Việt Nam) hoặc vaccine phối hợp 3 bệnh sởi - quai bị - rubella (Priorix - Bỉ và MMR II - Mỹ). Phụ nữ nên tiêm vaccine ngừa sởi trước khi mang thai tốt nhất ba tháng, tối thiểu là 1 tháng, tùy từng loại vaccine. Tiêm đủ hai mũi có hiệu quả phòng sởi lên đến 98%, đồng thời bảo vệ trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân trong 72 giờ.
Bên cạnh vaccine, người dân nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ vệ sinh thân thể, mũi họng, mắt và răng miệng hàng ngày. Nơi ở cần đảm bảo sạch sẽ, thông thoáng. Nhà trẻ, mẫu giáo, nhà trường, văn phòng công ty... thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập, vệ sinh lớp học, bàn ghế, sân chơi, phòng làm việc, máy tính. Mỗi người uống đủ nước, ăn đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng và nâng cao thể trạng bằng thường vận động tránh mắc bệnh.
Diệu Thuần