Tình trạng rối loạn nội tiết tố xảy ra khi cơ thể sản xuất quá nhiều hoặc quá ít hormone. Hormone là những chất hóa học được phóng thích từ các tuyến nội tiết, có vai trò kiểm soát nhiều hoạt động sống của cơ thể, bao gồm cả quá trình trao đổi chất và sinh sản. Theo đó, rối loạn nội tiết tố có thể gây ảnh hưởng đến khả năng sản xuất và chất lượng của tinh trùng. Tình trạng này cũng làm gián đoạn quá trình rụng trứng, ngăn cản sự dày lên của niêm mạc tử cung, từ đó ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và thụ thai. Dưới đây là những yếu tố có thể gây rối loạn nội tiết tố.
Căng thẳng
Khi cơ thể căng thẳng, tuyến thượng thận sẽ giải phóng ra một lượng lớn hormone adrenaline và cortisol để đối phó với tình trạng này. Tuy nhiên, nếu các yếu tố gây căng thẳng vẫn tiếp tục hiện diện, nồng độ hormone adrenaline và cortisol tăng cao kéo dài sẽ làm giảm nồng độ của một số hormone sinh dục cũng như giảm ham muốn tình dục, từ đó ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở cả hai giới.
Rối loạn ăn uống
Hầu hết phụ nữ bị biếng ăn và khoảng 50% phụ nữ mắc chứng cuồng ăn bulimia sẽ bị mất kinh sớm. Việc giảm cân cực độ do giảm lượng calo tiêu thụ ở những bệnh nhân bị rối loạn ăn uống được cho là có khả năng ức chế các hormone tuyến yên cần thiết để duy trì mức estrogen ổn định trong cơ thể, từ đó gây ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng và thụ thai. Phụ nữ mắc các tình trạng này cũng có thể bị căng thẳng, lo lắng, ám ảnh về việc ăn uống, từ đó làm tăng nồng độ cortisol trong cơ thể cũng như tăng nguy cơ vô sinh, hiếm muộn.

Tình trạng rối loạn ăn uống có thể ảnh hưởng đến nồng độ nội tiết tố trong cơ thể. Ảnh: Womenshealth.
Thuốc
Các thuốc steroid như cortisone và prednisone có thể ngăn cản quá trình sản xuất hormone kích thích nang trứng (FSH) và hormone tạo hoàng thể (LH) của tuyến yên, gây ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng ở phụ nữ. Trong khi đó, nếu sử dụng nhiều thuốc điều trị bệnh tuyến giáp sẽ làm tăng nồng độ hormone tuyến giáp trong cơ thể, làm gián đoạn chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới hoặc làm giảm số lượng tinh trùng ở nam giới.
Nhóm thuốc điều trị cao huyết áp và thuốc tác động đến hệ thần kinh đều làm tăng nồng độ prolactin trong máu, gây ảnh hưởng đến nồng độ FSH và LH trong cơ thể, từ đó cản trở quá trình rụng trứng. Đặc biệt, các thuốc và sản phẩm chăm sóc sức khỏe chứa estrogen, progesterone hoặc testosterone có thể làm rối loạn nồng độ hormone sinh dục trong cơ thể, từ đó gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Bệnh lý
Hội chứng buồng trứng đa nang là vấn đề sức khỏe phổ biến có thể gây rối loạn nội tiết tố và làm tăng nguy cơ dẫn đến vô sinh, hiếm muộn ở nữ giới. Buồng trứng của nữ giới bị hội chứng này sẽ sản xuất ra nhiều nội tiết tố androgen gây gián đoạn quá trình phát triển nang noãn và khiến trứng không thể trưởng thành. Việc này gây rối loạn quá trình rụng trứng, ảnh hưởng đến kinh nguyệt và làm giảm cơ hội mang thai.
Ở nam giới, một số bệnh lý như suy tuyến sinh dục nam, teo tinh hoàn, hội chứng Kallmann, hội chứng Klinefelter... có thể gây rối loạn nồng độ hormone sinh dục nam testosterone và làm suy giảm chức năng sinh lý.
Ngoài các tình trạng gây ảnh hưởng trực tiếp đến hormone sinh dục, các bệnh lý như cường giáp, suy giáp, suy tuyến thượng thận, bệnh ở vùng dưới đồi và tuyến yên sẽ gây rối loạn các hormone khác trong cơ thể (hormone tuyến giáp, hormone tuyến thượng thận, hormone tuyến yên) và cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Thói quen sống
Một số thói quen sống có thể ảnh hưởng đến nồng độ hormone trong cơ thể, từ đó ảnh hưởng đến khả năng sinh sản như hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia và caffeine, thức khuya thường xuyên, chế độ ăn uống kém lành mạnh và ít vận động. Việc thay đổi thói quen sống sẽ giúp cân bằng lại nồng độ hormone trong cơ thể và làm giảm nguy cơ vô sinh, hiếm muộn ở cả hai giới.
Phương Quỳnh (Theo Healthline)