Đi tiểu là cách cơ thể loại bỏ chất thải gồm nước, axit uric, urê và chất độc. Tuy nhiên, việc đi tiểu thường xuyên, hoặc tiểu nhiều lần, có có thể phá vỡ thói quen bình thường của một người; từ đó dẫn đến gián đoạn chu kỳ giấc ngủ. Hầu hết mọi người đi tiểu 6-7 lần mỗi ngày. Đi tiểu thường xuyên là khi một người cần đi tiểu hơn 7 lần trong 24 giờ. Dưới đây là những nguyên nhân khiến bàng quang hoạt động liên tục.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu là nguyên nhân phổ biến nhất của việc đi tiểu thường xuyên. Vi khuẩn khi xâm nhập vào cơ thể sẽ lây nhiễm sang thận, bàng quang hoặc các ống nối chúng với nhau. Tình trạng này liên tục kéo dài khiến bàng quang bị sưng lên và không thể chứa nhiều nước tiểu. Một số các triệu chứng nhận biết về nhiễm trùng đường tiết niệu là nước tiểu đục, có máu hoặc có mùi lạ. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể bị sốt, ớn lạnh, buồn nôn và đau ở bên hông hoặc bụng dưới.
Bệnh tiểu đường
Đi tiểu thường xuyên là một triệu chứng ban đầu của bệnh tiểu đường. Theo các chuyên gia y tế, bệnh lý này thường có xu hướng làm tăng lượng đường trong máu và khiến chức năng lọc của cầu thận bị tổn thương. Do đó, lượng đường không được lọc sẽ bị tồn đọng trong nước tiểu. Chúng sẽ hút nhiều nước và khiến người bệnh đi tiểu nhiều hơn.
Hội chứng đau bàng quang
Người mắc hội chứng đau bàng quang (viêm bàng quang kẽ) thường có cảm giác muốn đi vệ sinh liên tục nhưng lượng nước tiểu lại rất ít. Ngoài triệu chứng trên, họ cũng xuất hiện cơn đau ở bụng dưới; khi đi tiểu hoặc giao hợp cơn đau của họ sẽ trở nên tồi tệ hơn. Các chuyên gia khuyến cáo, hội chứng đau bàng quang có thể điều trị và làm thuyên giảm bằng chế độ ăn kiêng, tập thể dục, dùng thuốc, phẫu thuật hoặc điều trị vật lý trị liệu.
Sỏi thận
Khoáng chất và muối có thể hình thành nên các viên sỏi nhỏ trong thận. Khi gặp phải tình trạng này, người bệnh thường có cảm giác phải đi tiểu thường xuyên nhưng lại không tiểu được nhiều. Kèm theo đó là các dấu hiệu như buồn nôn, sốt, ớn lạnh hoặc cảm giác đau ở bên hông và lưng kèm lan xuống háng thành từng đợt. Những yếu tố tiềm ẩn gây nên sỏi thận là tăng cân, mất nước, chế độ ăn giàu protein và hoặc do di truyền.

Đi tiểu thường xuyên là khi một người cần đi tiểu hơn 7 lần trong 24 giờ. Ảnh: Freepik
Uống quá nhiều rượu hoặc caffein
Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, rượu có thể hoạt động như thuốc lợi tiểu và đẩy nhiều nước ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, chúng cũng hạn chế cơ thể sản xuất vasopressin. Đây là một loại hormone giúp thận quản lý lượng nước trong cơ thể. Đây là lý do tại sao sau khi uống rượu, con người thường đi tiểu thường xuyên hơn. Điều này làm cơ thể ngày càng trở nên mất nước, từ đó gây ra các triệu chứng nôn nao, khô miệng, khát nước, chóng mặt, choáng váng...
Mặc dù ảnh hưởng của caffein có thể nghiêm trọng, nhưng các chuyên gia cho biết phải uống nhiều cà phê hơn mới có tác dụng tương tự như rượu.
Xương chậu yếu
Xương chậu nằm ở vùng bụng dưới. Khi các cơ bị căng và yếu do quá trình mang thai và sinh nở, bàng quang có thể di chuyển ra khỏi vị trí. Tình trạng này khiến cơ quan niệu đạo có thể bị kéo dài ra và gây nên triệu chứng són tiểu.
Tuyến tiền liệt
Tuyến tiền liệt có kích thước bằng quả óc chó và chúng có thể phát triển lớn hơn sau tuổi 25. Khi bị phì đại, tuyến tiền liệt có thể khiến dòng nước tiểu yếu, không đều và khiến người bệnh cảm thấy mình phải đi tiểu nhiều hơn.
Táo bón
Nếu bạn chưa đi đại tiện trong một thời gian dài, đường ruột có thể bị đầy đến mức đẩy lên bàng quang và khiến cơ thể cảm giác muốn đi tiểu thường xuyên hơn. Theo các nhà khoa học nhận định, tình trạng táo bón về lâu dài có thể làm suy yếu các cơ sàn chậu.
Mất nước
Mất nước cũng là nguyên nhân khiến cơ thể đi tiểu nhiều. Các nhà khoa học lý giải tình trạng này là do việc mất nước có thể khiến thận cảm thấy áp lực và muốn đi tiểu. Ngoài ra, cảm giác khô họng do mất nước cũng khiến chúng ta muốn tiêu thụ nước nhiều hơn; từ đó làm bàng quang nhanh chóng bị đầy và dẫn đến việc muốn đi tiểu.
Thừa nước
Thừa nước là tình trạng cơ thể đang nạp quá nhiều nước hơn mức mà thận cho phép. Điều này có thể dẫn đến nhiễm độc nước do muối và các chất điện giải khác trong cơ thể. Thừa nước cũng khiến cơ thể bị hạ natri máu do nồng độ natri trở nên quá thấp và mang đến rủi ro đe dọa tính mạng. Các nhà khoa học cho biết, đi tiểu thường xuyên hoặc nước tiểu có màu trong suốt là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang tiêu thụ quá nhiều nước.
Lo lắng hoặc căng thẳng
Theo nhiều nghiên cứu, những người thường có tâm trạng lo âu hoặc căng thẳng trước sự việc nào đó sẽ có xu hướng đi tiểu thường xuyên. Các nhà khoa học lý giải tình trạng này là do hệ thần kinh đang bị lo lắng quá mức nên dẫn đến kích hoạt phản ứng căng thẳng và khiến cơ thể sản xuất các hormone ở tuyến thượng thận như epinephrine, cortisol và aldosterone, tất cả đều có ảnh hưởng đến mức độ giữ chất lỏng và kiểm soát tần suất đi tiểu.
Huyền My (Theo Men’s Health, Medical News Today, WebMD)