Nốt sẩn nhỏ hơi cứng ở môi dưới của bà Nga xuất hiện năm 1984, có lúc sưng to, sau 1-2 tuần lại lặn. Gần đây, môi sưng to bất thường, bà đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám. TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích, Trưởng chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, ghi nhận khối u kích thước khoảng 2 cm, loét kéo dài, bờ viền tổn thương thâm nhiễm cứng, bề mặt không đều và chảy dịch nhẹ. Bác sĩ nghi ngờ đây là ung thư biểu mô tế bào vảy - dạng ung thư da ác tính thường gặp ở vùng môi.
Phương pháp điều trị tối ưu trong trường hợp này là phẫu thuật, sau đó lấy mô sinh thiết để xác định bản chất ung thư, tuy nhiên bà Nga ngại mổ. Sau khi hội chẩn với bác sĩ khoa Ngoại vú - Đầu mặt cổ, bác sĩ Bích quyết định điều trị cho người bệnh bằng phương pháp áp lạnh với nitơ lỏng mỗi tuần một lần, kết hợp thuốc uống và thuốc bôi.
Đây là phương pháp sử dụng nitơ lỏng ở nhiệt độ cực thấp (khoảng -196 độ C) để loại bỏ cấu trúc mô ung thư, bao gồm một số loại ung thư da ở giai đoạn sớm. Bác sĩ phủ nitơ lỏng lên vùng tổn thương để đóng băng phần mô bệnh, gây đông hủy mô nhanh và kích thích quá trình liền thương. Vùng điều trị hình thành lớp mài trong 2-4 ngày kế tiếp sau đó sẽ bong tróc mài, mang theo các tế bào chết. Phương pháp này an toàn, ít gây chảy máu, có thể tiếp cận được các vùng da trên cơ thể, tuy nhiên cần thận trọng ở các vùng da non có nhiều mạch máu như vùng bẹn, vùng nách.

Bác sĩ Bích trao đổi với bà Nga về phương pháp điều trị. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
"Điều trị bằng nitơ lỏng không cần phải sử dụng thuốc tê hoặc thuốc mê trước khi làm thủ thuật, ít xâm lấn, không để lại sẹo nếu tổn thương nhỏ, người bệnh không cần nghỉ dưỡng", bác sĩ Bích nói, thêm rằng nhược điểm của phương pháp này là phải làm nhiều lần, có thể để lại sẹo thâm hoặc sẹo mất sắc tố. Biến chứng thường gặp là bỏng lạnh gây ra các nốt phỏng bọng nước và đau nhưng thường thoáng qua và dễ xử lý.
Sau khoảng ba tháng điều trị tích cực, khối u trên môi bà Nga được kiểm soát, tổn thương teo nhỏ, không còn sần đỏ hay lan rộng, bề mặt môi bắt đầu tái tạo tương đối đều màu. Bà Nga không đồng ý phẫu thuật nên không thể lấy mẫu sinh thiết để kiểm tra khối u có phải ung thư không.
Bác sĩ Bích lưu ý một số loại ung thư da tiến triển rất chậm, đôi khi kéo dài hàng chục năm mà không gây đau, không loét hay sưng viêm rõ ràng, nên người bệnh thường chủ quan. Những tổn thương này có thể chỉ là một mảng da hơi sẫm màu, một nốt sần nhỏ hoặc vùng tróc vảy nhẹ, khiến nhiều người nhầm với tình trạng khô da, dày sừng. Nếu khối u xuất hiện ở những vị trí khó quan sát như vùng lưng, gáy hoặc da đầu, việc phát hiện lại càng khó khăn hơn. Do đó, mọi người nên khám da định kỳ, theo dõi những thay đổi kéo dài trên da dù rất nhỏ để phát hiện sớm ung thư da và điều trị hiệu quả.
Minh Hương
*Tên người bệnh đã được thay đổi