Theo BS.CKI Nguyễn Tiến Đạo, Quản lý Y khoa, Hệ thống Tiêm chủng VNVC, vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis có thể thường trú ở vùng hầu họng của con người, bình thường không ra các triệu chứng. Khi gặp yếu tố thuận lợi như sức đề kháng giảm, mắc bệnh gây suy giảm miễn dịch, viêm đường hô hấp, hút thuốc lá... vi khuẩn sẽ xâm lấn các cơ quan và gây bệnh.
CDC Mỹ và các nghiên cứu tại Anh, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch và Hà Lan chỉ ra, thuốc lá và não mô cầu có mối liên hệ với nhau. Xem xét 18 nghiên cứu, các nhà khoa học Anh phát hiện việc tiếp xúc với khói thuốc thụ động trong môi trường gia đình khiến trẻ tăng gấp đôi nguy cơ bị bệnh não mô cầu xâm lấn, tỷ lệ cao hơn ở trẻ dưới 5 tuổi. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra, trẻ sinh ra từ những người mẹ hút thuốc trong thai kỳ có nguy cơ mắc bệnh não mô cầu xâm lấn cao gấp 3 lần so với trẻ em sống trong gia đình không có người hút thuốc.

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc não mô cầu và các bệnh ung thư nguy hiểm. Ảnh: Vecteezy
Bác sĩ Đạo lý giải, khói thuốc lá có thể gây suy yếu chức năng bảo vệ của tế bào biểu mô ở đường hô hấp, làm tổn thương niêm mạc và tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể. Khi hệ hô hấp bị ảnh hưởng, khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh giảm đi, khiến người hút thuốc và những người xung quanh dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, trong đó có viêm màng não do não mô cầu.
Theo cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), trong khói thuốc lá có khoảng gần 7.000 hợp chất hóa học, trong đó có 69 hóa chất như nicotin, benzen, clorua vinyl và amoniac... Đây là các chất được xếp vào nhóm nguy cơ cao gây ra các bệnh ung thư, tim mạch, phổi tắc nghẽn mạn tính, đột quỵ... Người hút thuốc lá số lượng nhiều, thời gian hút càng dài có tỷ lệ mắc các bệnh này càng cao.
Các thể bệnh do não mô cầu gây ra gồm viêm màng não, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn, viêm khớp, viêm màng ngoài tim... Trong đó, viêm màng não có thể gây tử vong trong 24 giờ và được xem là cấp cứu y khoa, đòi hỏi chẩn đoán và can thiệp nhanh chóng. Song ở giai đoạn đầu, bệnh có các triệu chứng không đặc hiệu tương tự cảm lạnh, cúm như sốt, đau họng, chảy nước mũi, ho... khiến người bệnh nhập viện điều trị muộn, tăng nguy cơ tử vong. Trường hợp sống sót, có đến 20% gặp di chứng cắt cụt chi, chậm phát triển trí tuệ, điếc, liệt, tàn tật suốt đời... Bệnh còn ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, kết quả học tập, lựa chọn công việc.

Thanh thiếu niên tiêm vaccine phòng bệnh do não mô cầu tại Trung tâm Tiêm chủng VNVC. Ảnh: Diệu Thuần
Theo bác sĩ Đạo, tiêm vaccine là cách phòng bệnh não mô cầu hiệu quả. Hiện Việt Nam có vaccine phòng não mô cầu thế hệ mới phòng não mô cầu nhóm B (Bexsero - Italy), tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi đến người lớn 50 tuổi. Vaccine phòng não mô cầu nhóm BC (VA-Mengoc-BC - Cuba), tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến người lớn 45 tuổi. Vaccine phòng não mô cầu nhóm ACYW-135 (Menactra - Mỹ) tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi đến 55 tuổi.
Các vaccine được cung ứng trong chương trình tiêm chủng dịch vụ, không có miễn dịch chéo với nhau. Mỗi người nên tiêm phối hợp các loại vaccine để phòng 5 nhóm huyết thanh của não mô cầu gồm A, B, C, Y, W-135.
Ngoài vaccine, mọi người nên từ bỏ hút thuốc, tránh uống rượu bia và sử dụng các chất kích thích. Cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn để giảm tỷ lệ mầm bệnh lây nhiễm vào cơ thể. Ở nơi làm việc, lớp học, trường học, nhà trẻ cũng cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, giữ không gian thông thoáng.
Mọi người cũng cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, thường xuyên vận động nhằm tăng cường thể trạng, sức đề kháng. Khi hắt hơi, ho, nên lấy khăn che miệng hoặc đeo khẩu trang. Khi có các biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, người lớn, trẻ nhỏ cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Công Nguyên