Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Kim Dung, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết gàu là tình trạng tế bào da đầu sản sinh với tốc độ nhanh bất thường, thường gặp ở khoảng 50% dân số. Người mắc bệnh thường có biểu hiện khô, bong tróc từng mảng hoặc lấm tấm nhỏ màu trắng trên da đầu, gây cảm giác ngứa ngáy, có xu hướng chuyển nặng vào mùa lạnh, khô.
Gàu có nhiều nguyên nhân như: do viêm da, nấm men, khô da, sử dụng sản phẩm và cách chăm sóc tóc không phù hợp, căng thẳng kéo dài, thiếu hoặc thừa dưỡng chất, nhiệt độ môi trường thay đổi. Ngoài ra, tình trạng này cũng xuất hiện ở những người bị viêm da tiết bã nhờn, vảy nến, chàm, Parkinson, các bệnh thần kinh, HIV, tim mạch, người vừa hồi phục sau nhồi máu cơ tim.

Tình trạng gàu da đầu. Ảnh: Freepik
Theo bác sĩ Kim Dung, nếu tình trạng gàu nhẹ, có thể làm sạch thường xuyên bằng dầu gội nhẹ nhàng để giảm lượng dầu và sự tích tụ tế bào da chết. Cụ thể, bác sĩ thường chỉ định người bị gàu dùng dầu gội có thuốc, từ 2-3 lần một tuần hoặc mỗi ngày tùy theo mức độ, theo đúng hướng dẫn sử dụng do nhà sản xuất khuyến cáo.
Người tóc khô có thể giảm số lần gội và dùng dầu xả dưỡng ẩm, đồng thời nên thử nhiều sản phẩm để tìm ra loại phù hợp. Nếu xuất hiện tình trạng ngứa hoặc châm chích, hãy ngừng sử dụng và đi khám bác sĩ ngay khi gặp phản ứng dị ứng như phát ban, nổi mề đay hoặc khó thở.
Dầu gội trị gàu được phân loại theo thành phần thuốc có trong dầu gội hoặc theo toa, gồm có: Dầu gội chứa kẽm pyrithione giúp kháng khuẩn và kháng nấm; dầu gội chứa thành phần chiết xuất từ nhựa than làm kìm hãm quá trình tạo da chết và bong tróc; dầu gội chứa axit salicylic có tác dụng loại bỏ hiện tượng da đầu bị khô; dầu gội chứa selenium sulfide chống nấm; dầu gội Ketoconazole giúp diệt nấm; dầu gội fluocinolone chứa corticosteroid giúp kiểm soát ngứa, bong tróc da và kích ứng.
Bác sĩ da liễu có thể chỉ định người bệnh dùng thuốc bôi nếu tình trạng gàu do nguyên nhân nấm da đầu. Trường hợp thuốc bôi không cho tác dụng sẽ chuyển sang điều trị bằng thuốc uống.
Để hạn chế gàu tái phát, người bệnh cần tuân thủ lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống đủ dưỡng chất, giảm đường và tránh thực phẩm chế biến sẵn. Ngoài việc đi bộ, tập yoga, tập hít thở mỗi ngày, các bữa ăn cần đủ kẽm, vitamin B và chất béo (omega-3,6).
Về phương pháp chăm sóc tóc và da đầu, người bệnh có thể sử dụng mặt nạ dành cho da đầu giúp dưỡng ẩm khi ngồi quá lâu trong môi trường lạnh và khô. Số lần gội đầu nên căn cứ vào tình trạng: tóc bết và tóc nhuộm (gội 2-3 lần một tuần), sử dụng gel tạo kiểu tóc (gội vào cuối ngày), tập thể thao (gội sau khi tập),... kết hợp thực hiện động tác xoa bóp nhẹ nhàng.
Nếu tóc khô và da đầu nhạy cảm, hay khi tình trạng gàu đã được kiểm soát, người bệnh có thể rút ngắn số lần sử dụng dầu gội thuốc trong tuần. Để tăng hiệu quả trị gàu, nên hạn chế để tóc tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, dùng sản phẩm tạo kiểu tóc.
Đinh Tiên