Hiện nay, với sự tiến bộ của y học hiện đại, bên cạnh phương pháp điều trị vô sinh hiếm muộn thì phẫu thuật nội soi can thiệp được áp dụng phổ biến, góp phần làm tăng tỷ lệ mang thai sau điều trị vô sinh hiếm muộn. Do đó, sau phẫu thuật người bệnh có thể thụ thai tự nhiên hoặc tiếp tục thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) nhằm tăng khả năng đậu thai.
BS.CKI Châu Hoàng Phương Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh TP HCM cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận lượng lớn phụ nữ vô sinh do bệnh lý như: bất thường cấu trúc tử cung, u xơ tử cung, đa nhân xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, polyp lòng tử cung, tắc ứ dịch vòi trứng... Trước khi thực hiện IVF, người bệnh được bác sĩ đánh giá, kiểm tra cơ quan sinh sản. Rất nhiều trường hợp cần phẫu thuật can thiệp trước khi chuyển phôi.
Sau đây là những phẫu thuật chữa hiếm muộn nữ thường gặp, được thực hiện tại BVĐK Tâm Anh.
Sửa chữa bất thường tử cung
Bất thường cấu trúc tử cung mắc phải hoặc bẩm sinh chiếm tỷ lệ 11-23% trong nhóm phụ nữ sẩy thai liên tiếp. Các bất thường tử cung mắc phải bao gồm polyp, u xơ tử cung hoặc dính buồng tử cung, các dị dạng cấu trúc tử cung bẩm sinh bao gồm tử cung biến dạng (tử cung dạng chữ T, tử cung nhi hóa...), tử cung có vách ngăn, tử cung hai sừng, tử cung một phần, bất sản và các bất thường không phân loại khác... Dị dạng tử cung ảnh hưởng tới khả năng sinh sản, gây nguy cơ cao vô sinh, sẩy thai, sinh non, ngôi thai bất thường, thai chết lưu...
Các phẫu thuật can thiệp điều trị tử cung dị dạng thường áp dụng bao gồm cắt bỏ một tử cung bị thoái hóa, chỉ giữ lại tử cung hoàn thiện trong trường hợp tử cung đôi (có một tử cung phát triển bất thường). Nếu bệnh nhân có vách ngăn tử cung, ảnh hưởng đến việc mang thai, dễ gây sẩy thai hoặc thai kém phát triển trong tử cung, bác sĩ thường phẫu thuật để tạo hình dáng bình thường cho tử cung.

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi (phải), Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP HCM, phẫu thuật nội soi chữa tử cung dị dạng. Ảnh: Tuệ Diễm.
Bóc u xơ tử cung
U xơ tử cung có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau ở tử cung, thường được chia làm 3 nhóm. Nhóm một là khối u nằm dưới thanh mạc, nhóm 2 nằm trong cơ tử cung và nhóm 3 ở dưới niêm mạc.
Theo bác sĩ Phương Thảo, u xơ tử cung dưới niêm mạc thường gây ra rong kinh, cường kinh, thậm chí có thể gây băng kinh nên thường có chỉ định phẫu thuật dù kích thước nhỏ. Đây là một trong những nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt ở phụ nữ. Vị trí u xơ cơ tử cung dưới niêm cũng là nguyên nhân khiến người phụ nữ khó có con, hoặc dễ bị sẩy thai liên tiếp, sinh non.
Đa số các trường hợp u xơ nằm dưới lớp cơ tử cung không gây triệu chứng, tuy nhiên chúng thường phát triển nhanh, to ra và làm biến dạng tử cung. Có nhiều phương pháp điều trị, trong đó 4 phương pháp áp dụng rộng rãi là mổ nội soi bóc u xơ, tắc mạch chọn lọc, đốt u xơ tử cung bằng sóng cao tần, hoặc sử dụng năng lượng sóng siêu âm hội tụ dưới định vị hướng dẫn của MRI là lựa chọn cho bệnh nhân không muốn phẫu thuật...

Bác sĩ Phương Thảo chọc hút trứng cho người bệnh trước khi can thiệp bóc u xơ tử cung. Ảnh: Tuệ Diễm.
Bóc lạc nội mạc tử cung
Trong nhóm phụ nữ bị vô sinh, có 30 - 50% chị em có tổn thương lạc nội mạc tử cung. Bác sĩ Phương Thảo cho biết, lạc nội mạc tử cung xảy ra ở buồng trứng sẽ làm giảm dự trữ buồng trứng, ảnh hưởng chất lượng noãn nên ảnh hưởng đến khả năng thụ tinh và phát triển của phôi. Lạc nội mạc tử cung có thể gây viêm dính vùng chậu dẫn đến viêm dính làm tắc, ứ dịch vòi trứng cản trở sự gặp nhau của trứng và tinh trùng. Một số phụ nữ hiếm muộn còn gặp tình trạng lạc nội mạc tử cung trong cơ tử cung, ảnh hưởng chức năng sinh sản.
Tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh và triệu chứng chính của người bệnh mà bác sĩ đưa ra phương án điều trị khác nhau: theo dõi, uống thuốc giảm đau khi hành kinh, sử dụng thuốc nội tiết để điều chỉnh kinh nguyệt, và cuối cùng là phẫu thuật.
Lạc nội mạc tử cung được xem như bệnh lý phụ khoa mãn tính và phức tạp cho đến nay chưa có phương pháp điều trị dứt điểm, vì bệnh có khả năng tái phát cao kể cả người bệnh được phẫu thuật bóc tách.
Thông tắc vòi trứng
Tắc vòi trứng (tắc ống dẫn trứng) là yếu tố chiếm 25 - 30% trong tất cả các trường hợp vô sinh ở phụ nữ. Đây là tình trạng vòi trứng bị chít hẹp hay thậm chí tắc, ngăn cản trứng và tinh trùng gặp nhau để thụ thai; hoặc trứng và tinh trùng đã thụ tinh không thể di chuyển vào buồng tử cung để "xây nhà". Vì vậy có thể dẫn đến phôi làm tổ ngay tại vòi trứng gây ra tình trạng thai ngoài tử cung rất nguy hiểm. Nguyên nhân gây tắc vòi trứng thường do: lạc nội mạc tử cung, bệnh viêm vùng chậu, bệnh lây truyền qua đường tình dục, tiền sử mang thai ngoài tử cung. Phẫu thuật nội soi gỡ dính, bơm thông và tái tạo vòi trứng được chỉ định cho bệnh nhân tắc vòi trứng ảnh hưởng khả năng sinh sản.
Theo bác sĩ Châu Hoàng Phương Thảo, đối với các cặp vợ chồng đến khám hiếm muộn tại BVĐK Tâm Anh, người bệnh sẽ được thực hiện một số chẩn đoán cận lâm sàng như: siêu âm, xét nghiệm máu, kiểm tra tinh dịch đồ (nam), chụp buồng tử cung vòi trứng (nữ)... nhằm tìm nguyên nhân vô sinh. Khi phát hiện các bất thường gây vô sinh người bệnh có thể được can thiệp phẫu thuật. Đối với nam giới có thể là vi phẫu thuật tinh hoàn tìm tinh trùng. Đối với nguyên nhân vô sinh do nữ giới, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản kết hợp cùng Trung tâm Sản Phụ khoa tiến hành phẫu thuật điều trị với sự hỗ trợ của các trang thiết bị hiện đại.
Tuệ Diễm