Theo BS.CKI Nguyễn Lê Nga, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, bệnh zona thần kinh gây ra các mụn nước kèm ngứa, sốt, mệt mỏi, đau đầu. Các triệu chứng dễ nhầm với các bệnh dưới đây:
Thủy đậu
Zona thần kinh xuất hiện sau khi mắc thủy đậu, cũng do virus Varicella zoster (VZV) gây ra. Virus VZV "ngủ đông" tại các hạch thần kinh cảm giác, gặp điều kiện thuận lợi như trên 50 tuổi, hệ miễn dịch suy giảm, mắc bệnh nền mạn tính... sẽ gây bệnh zona. Dù cùng tác nhân gây bệnh nhưng hai bệnh có biểu hiện có thể phân biệt.
Ban thủy đậu thường mọc rải rác toàn thân hoặc hai bên cơ thể, gây ngứa, đau nhẹ cho người bệnh. Còn ban ở zona thần kinh thường mọc một bên, biểu hiện thành từng chùm theo dây thần kinh, gây đau dữ dội. Cơn đau có thể kéo dài sau khi ban biến mất gọi là đau thần kinh sau zona.

Các bóng nước của viêm da do kiến ba khoang (bên trái) và bóng nước do zona thần kinh (bên phải). Ảnh: Diệu Thuần, BV Da liễu TP HCM
Ghẻ
Ghẻ là bệnh do ký sinh trùng Sarcoptes scabiei gây ra, lây truyền qua tiếp xúc da kề da, hoặc sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người nhiễm. Bệnh dễ lây trong cộng đồng và có thể gặp biến chứng nhiễm trùng da, các vấn đề về thận.
Tương tự zona thần kinh, ghẻ cũng gây ra phát ban và ngứa. Song phát ban của ghẻ có thể lan khắp cơ thể, hoặc ở đầu, cổ, ngực, mông, tay, chân... không gây đau, sốt, ớn lạnh.
Herpes
Virus Herpes lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với vùng da hoặc niêm mạc bị tổn thương. Có khoảng 90% người trưởng thành tiềm ẩn virus herpes trong cơ thể. Khi sức khỏe yếu, virus thường bùng phát.
Giống với zona thần kinh, herpes cũng gây ra các ban đỏ, mụn nước chứa dịch, kèm ngứa ran, đau đầu, đau nhức dữ dội... Song ban của zona thường xuất hiện một bên cơ thể, hiếm xuất hiện ở bộ phận sinh dục. Còn ban của herpes mọc ở bộ phận nhất định của cơ thể như bộ phận sinh dục, mông, trực tràng, đùi, trong hoặc quanh vùng miệng.
Viêm da do kiến ba khoang
Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang là bệnh thường gặp hơn vào mùa mưa. Kiến ba khoang phóng thích chất độc pederin khi chúng bám vào các vùng da như mặt, cổ, tay, chân. Ban đầu, vùng da tiếp xúc sẽ ngứa, bỏng rát và căng. Sau đó, da đỏ và sưng nề, trên có nhiều mụn nước to nhỏ không đều 1-5 mm, vài ngày sau thành bóng nước hay bóng mủ.
Sang thương xuất hiện thành đường, lan sang vị trí khác khi cào, gãi. Vị trí viêm da do kiến ba khoang thường phân bố ở nơi tiếp xúc với độc tố, không mọc ở một nửa bên cơ thể như zona thần kinh.

Khách người lớn tiêm vaccine zona thần kinh tại VNVC. Ảnh: Diệu Thuần
Theo bác sĩ Nga, bất cứ ai cũng có thể mắc zona thần kinh, nhất là người lớn tuổi, hệ miễn dịch suy giảm, bị bệnh mạn tính, thường xuyên căng thẳng tâm lý. Bệnh hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Cách phòng ngừa hiệu quả hiện nay là tiêm vaccine.
Hiện Việt Nam đã có vaccine phòng zona thần kinh Shingrix do hãng dược phẩm GSK (Bỉ) sản xuất, có thể ngăn bệnh đến 97% với người trên 50 tuổi; 87% ở người từ 18 tuổi bị suy giảm miễn dịch do bệnh lý hoặc sử dụng các thuốc, liệu pháp điều trị gây ức chế hoặc có khả năng bị ức chế miễn dịch. Vaccine đồng thời giảm biến chứng đau thần kinh sau zona và các biến chứng khác hơn 90%.
Người 50 tuổi trở lên tiêm hai mũi, cách nhau hai tháng. 18 tuổi trở lên và nguy cơ cao mắc zona thần kinh, tiêm hai mũi cách nhau một tháng.
Người mắc thủy đậu có nguy cơ cao phát triển zona thần kinh. Vì vậy, người chưa mắc thủy đậu hoặc không rõ tiền sử bệnh, cần rà soát sổ tiêm chủng và bổ sung loại vaccine này. Hai mũi vaccine thủy đậu có hiệu quả lên đến 98%, phòng mắc bệnh và tránh các biến chứng do virus varicella zoster gây nên.
Ngoài vaccine, mọi người nên ăn uống đủ chất dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, giữ tinh thần thoải mái để tránh mắc zona thần kinh. Khi mắc zona, người bệnh cần điều trị sớm, giữ vùng da sạch sẽ, hạn chế căng thẳng, ngủ đủ giấc, không hút thuốc lá hay dùng chất kích thích, không gãi hay khiến mụn nước vỡ ra để tránh nhiễm trùng da. Ngoài ra, mọi người nên có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục để tăng sức đề kháng.
Tuấn An