BS.CKI Phạm Quốc Trung, khoa Gan - Mật - Tụy, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, thông tin trên, thêm rằng nếu không được can thiệp y tế kịp thời, các viên sỏi trong ống mật chủ có thể cản trở dịch mật lưu thông, lâu dần ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, chất lượng sống của người bệnh.
Viêm đường mật: Đây là biến chứng thường gặp nhất, xảy ra do sỏi phát triển làm tắc ống mật, tạo điều kiện gây viêm và nhiễm trùng đường mật. Triệu chứng thường gặp như đau bụng, sốt, vàng da.
Chảy máu đường mật: Tắc ống mật chủ do sỏi có thể khiến gan bị ứ mật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng gan, lâu ngày làm tổn thương thành ống mật và mạch máu, chảy máu đường mật bất thường.
Viêm mủ đường mật: Tình trạng viêm do tắc dịch mật không được can thiệp kịp thời thúc đẩy viêm nhiễm phát triển, gây ra các triệu chứng như đau, sốt cao, vàng da..., có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng.

Bác sĩ Trung tư vấn cho bệnh nhân. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Viêm phúc mạc mật: Dịch mật bị nhiễm khuẩn rò rỉ vào ổ bụng, khu trú ở hạ sườn phải hoặc lan ra khắp ổ bụng, gây viêm phúc mạc mật. Vi khuẩn khi đi vào máu có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết.
Áp xe đường mật: Người bị sỏi đường mật không được điều trị tốt có thể bị viêm mủ đường mật, từ đó diễn biến thành áp xe đường mật hoặc áp xe gan đường mật.
Viêm túi mật cấp: Khi dòng chảy dịch mật bị ảnh hưởng, dịch mật viêm có thể trào ngược vào túi mật gây sưng viêm hoặc hạch viêm vùng túi mật cản trở sự lưu thông vùng cổ túi mật, làm tăng áp lực trong túi cũng dẫn đến tình trạng này.
Sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết: Ống mật bị tắc tạo điều kiện cho các vi khuẩn phát triển, gây nhiễm trùng, có thể lan đến gan và máu, xảy ra nhiều biến chứng. Người bệnh có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời, theo bác sĩ Trung.
Hội chứng gan thận: Hội chứng gan thận trong bệnh lý gan mật là biến chứng nguy hiểm, hậu quả của nhiễm trùng nặng, nguy cơ tử vong cao.
Sỏi mật hình thành từ nhiều nguyên nhân như sỏi từ túi mật di chuyển xuống, nhiễm trùng và ký sinh trùng, hẹp hoặc dị dạng ống mật bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa mật. Người lớn tuổi, phụ nữ, tiền sử gia đình, thừa cân béo phì... có nguy cơ cao hơn.
Sỏi hình thành ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng mơ hồ, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hóa thông thường khác như buồn nôn, nôn, sốt, đau bụng, vàng da... Do đó, khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào liên quan đến sỏi mật, người bệnh cần khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Thảo Nhi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |