Trả lời:
Viễn thị là tật khúc xạ khiến người mắc nhìn rõ vật ở xa nhưng gặp khó khăn khi nhìn gần. Tình trạng này xảy ra khi nhãn cầu ngắn hoặc giác mạc có độ cong chưa đủ làm cho hình ảnh hội tụ sau võng mạc thay vì đúng trên võng mạc. Mức độ ảnh hưởng của viễn thị khác nhau ở từng người, tùy theo độ viễn, khả năng điều tiết của mắt và độ tuổi.
Mắt của người trẻ tuổi bị viễn thị nhẹ còn có khả năng điều tiết tốt để bù trừ nên không nhất thiết phải đeo kính liên tục. Trường hợp của bạn có thể đeo kính khi thực hiện các hoạt động cần nhìn gần như đọc sách, dùng điện thoại, làm việc trên máy tính... Nhờ đó, bạn có thể giảm mỏi mắt, đau đầu và cải thiện hiệu suất công việc. Khi nghỉ ngơi, đi lại hay sinh hoạt thông thường, bạn có thể không cần đeo kính nếu không cảm thấy khó chịu.
Nếu tình trạng mỏi mắt, khô mắt, nhìn nhòe lặp lại khi không đeo kính, bạn nên cân nhắc đeo thường xuyên hơn, kể cả trong sinh hoạt hằng ngày để giảm áp lực điều tiết cho mắt. Mang kính không khiến mắt yếu đi mà ngược lại tạo sự thoải mái và ngăn ngừa các triệu chứng khó chịu liên quan đến viễn thị.

Bác sĩ kiểm tra mắt để phát hiện bất thường khúc xạ. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Với trẻ nhỏ bị viễn thị, nhất là độ viễn trên 2.0 diop (độ), đeo kính liên tục là rất cần thiết. Trẻ em có hệ thị giác đang phát triển, nếu viễn thị không được điều chỉnh đúng dễ dẫn đến lác trong và nhược thị. Hai tình trạng này có thể ảnh hưởng vĩnh viễn đến chức năng nhìn của trẻ.
Người lớn tuổi từ khoảng 40 tuổi trở lên dù không có viễn thị bẩm sinh, vẫn thường gặp tình trạng lão thị - một dạng giảm khả năng điều tiết khiến khó nhìn gần. Khi đó, đeo kính gần hoặc kính hai tròng là cần thiết, giảm mỏi mắt.
Người bị viễn thị không bắt buộc phải đeo kính cả ngày trong mọi trường hợp. Việc đeo kính còn tùy thuộc vào độ tuổi, mức độ viễn và nhu cầu sử dụng mắt. Nếu bác sĩ không yêu cầu đeo liên tục, bạn có thể chỉ cần đeo khi làm việc gần. Khi các triệu chứng khó chịu như mỏi mắt, nhìn mờ, chảy nước mắt, đau đầu... liên tục tái diễn, bạn cần đi khám để được điều chỉnh kính phù hợp hơn.
ThS.BS Phạm Huy Vũ Tùng
Trung tâm Mắt Công nghệ cao
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh nhãn khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |