Ngày 14/10, ca phẫu thuật trình diễn cấy điện cực ốc tai thuộc khóa đào tạo tại Hội nghị Tai Mũi Họng và Phẫu thuật đầu cổ Đông Nam Á lần 20, diễn ra ở Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội.
Bệnh nhi có cha mẹ câm điếc, được cấy ốc tai điện tử giai đoạn sớm để kích thích thần kinh thính giác, phục hồi chức năng nghe và cảm nhận âm thanh.
"Cấy ốc tai điện tử là kỹ thuật khó, phức tạp nhất của chuyên ngành phẫu thuật tai", PGS.TS.BS Lê Minh Kỳ, Phụ trách chuyên môn khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết và thêm rằng khu vực ốc tai rất nhỏ, nhiều mạch máu, dây thần kinh, đòi hỏi chuyên môn cao, máy móc cùng phòng mổ hiện đại.
Theo phó giáo sư Kỳ, giai đoạn quyết định thành bại của ca mổ là khi mở cửa sổ ở tầng ốc tai và đưa điện cực vào. Chỉ cần sai lệch một milimet ảnh hưởng đến hiệu quả nghe, có thể nguy hiểm đến tính mạng trẻ.
Ê kíp mở cửa sổ ở tầng ốc tai và đưa điện cực vào. Nhờ hệ thống kính hiển vi và máy định vị hiện đại, bác sĩ đặt điện cực đúng vị trí, nhận tín hiệu tốt. Sau hai giờ, ca phẫu thuật thành công, các chỉ số đánh giá sau mổ tốt.
Sau cấy điện cực ốc tai, bệnh nhi học cách nhận biết âm thanh và phát âm, có thể nghe nói được hay không phụ thuộc nhiều vào giai đoạn này.

Ê kíp bác sĩ Tâm Anh và giáo sư Lokman Saim ốc tai điện tử cho bệnh nhi. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Theo phó giáo sư Kỳ, điếc bẩm sinh khiến trẻ không nói được, gặp khó khăn khi học tập, giảm nhận thức và khó hòa nhập xã hội, sống thu mình, bỏ lỡ các cơ hội phát triển trong tương lai. Bệnh nhi không nhận biết được các yếu tố nguy cơ xung quanh dẫn đến các tình huống nguy hiểm.
Máy trợ thính được áp dụng phổ biến để điều trị điếc bẩm sinh. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có tác dụng tốt với điếc mức độ nhẹ đến trung bình. Phẫu thuật cấy ốc tai điện tử là phương án cuối cùng điều trị các trường hợp điếc nặng, điếc sâu.
Cùng ngày, các bác sĩ bệnh viện Tâm Anh phối hợp với giáo sư Michael Tong (Hong Kong) trình diễn mổ nội soi tai, chỉnh hình thượng nhĩ cho người bệnh cholesteatoma thượng nhĩ (dạng viêm tai giữa mạn lành tính).
Theo phó giáo sư Kỳ, hai kỹ thuật trình diễn tại hội nghị là những phẫu thuật mới và hiện đại trên thế giới. Hội nghị là cơ hội cho bác sĩ nước ta tiếp cận kiến thức, công nghệ mới của chuyên ngành tai mũi họng, do các giáo sư đầu ngành từ Mỹ, Australia, Pháp... mang đến.

PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy phát biểu tại khóa đào tạo hội nghị.
PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy, Cố vấn chuyên môn Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, Chủ tịch đắc cử Hội Tai Mũi Họng Đông Nam Á, cho biết hội nghị bàn luận chuyên sâu về lĩnh vực Mũi xoang, Họng thanh quản, Tai thần kinh - Thính học, Tai Mũi Họng nhi, Phẫu thuật đầu cổ, Tạo hình thẩm mỹ và Y học giấc ngủ. Nhiều kỹ thuật tiên tiến trong phẫu thuật ít xâm lấn được chia sẻ và thảo luận như phẫu thuật tai nâng cao, phẫu thuật nội soi tai, cấy ốc tai điện tử và phẫu thuật xương thái dương.
Hội nghị diễn ra ngày 13-15/10, do Hội Tai Mũi Họng Việt Nam phối hợp cùng Liên hiệp Hội Tai Mũi Họng Đông Nam Á tổ chức. Sự kiện thu hút gần 2.000 diễn giả là các giáo sư, nhà nghiên cứu và bác sĩ Tai Mũi Họng hàng đầu đến từ Đông Nam Á, Mỹ, Pháp, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam.
Hoài Phạm
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để được bác sĩ giải đáp. |